Thầy Phạm Ngọc Đôn (bút danh Đăng An), sinh năm 1961 trong một gia đình đông con, giữa vùng quê nghèo Kiến Xương (tỉnh Thái Bình cũ, nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Bị suy dinh dưỡng từ nhỏ nên năm 18 tuổi, chàng thanh niên Phạm Ngọc Đôn chỉ cao 139 cm và nặng 29 kg. Phạm Ngọc Đôn không được chọn nhập ngũ dù luôn xông xáo gánh phân hợp tác xã, gánh việc đồng áng, lao động cật lực để đổi lấy từng công điểm lo cho gia đình.
Mất hai năm ở nhà cuốc ruộng vì không thi đỗ vào lớp 10, Phạm Ngọc Đôn chứng kiến lũ bạn đi học cấp III ngang qua nhà mỗi ngày mà lòng buồn xen lẫn tiếc nuối. Rồi xã thông báo tuyển học sinh học cấp III bổ túc văn hóa. Mẹ nhìn Đôn rồi nói: “Con nộp hồ sơ mà xin vào học đi. Học để sau này mà đắp vào bản thân mình”.
Lời mẹ như hạt mầm khơi gợi ước mơ tưởng như đã ngủ quên. Phạm Ngọc Đôn quyết định nộp hồ sơ học bổ túc và hành trình học tập, phấn đấu bắt đầu.
Nhà thơ Đăng An chinh phục đỉnh Chư Mư. Ảnh nhân vật cung cấp |
Từ lớp học bổ túc văn hóa, Đôn dần bộc lộ năng lực học vượt trội. Học bằng cả trái tim, hiểu thấu để nhớ lâu, Đôn nhanh chóng vươn lên top đầu, rồi thi đỗ vào Trường Trung cấp Kế hoạch II Đà Nẵng, tốt nghiệp loại Khá.
Ra trường, Phạm Ngọc Đôn được phân về công tác tại một nông trường ở Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk cũ). Nhưng cái chất “trung thực, cẩn trọng và trực tính” khiến Đôn không thể hòa nhập với môi trường kinh doanh. Ông bị đẩy xuống làm công nhân. Nhưng chính tại đây, khả năng tự quản lý tài chính, tích lũy đã giúp ông vươn lên, có của ăn, của để.
Ở tuổi 37, hôn nhân đổ vỡ, Phạm Ngọc Đôn phải làm lại từ đầu: Làm nhà, làm rẫy, xây dựng lại gia đình, khởi tạo sự nghiệp và quan trọng nhất là tiếp tục con đường học hành. Ông thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Khoa Sư phạm tiểu học hệ 12+2. Khi thầy giáo hỏi tuổi, ông hóm hỉnh đáp: “Hai mươi năm trước em mười bảy”. Thầy và cả lớp học cười vang nhưng đó là tiếng cười đầy khâm phục.
Ra trường, trở thành giáo viên tiểu học, thầy Đôn công tác ở những nơi gian khó nhất: Phân hiệu nằm trong vùng dân di cư tự do dưới chân núi Cư Kuin. Lớp học là căn lán tạm bợ bằng cây rừng, bảng đen ghép từ ván mỏng, học sinh lội bộ đến lớp. Điểm trường mà nhiều nữ giáo viên không dám đến vì quá khắc nghiệt.
Trong gian khó như vậy, thầy Đôn vẫn tranh thủ học tiếp chương trình sư phạm giáo dục tiểu học bằng hình thức đào tạo từ xa. Song song với nghề dạy học, thầy còn học thêm công nghệ thông tin và là người tiên phong trong thiết kế và sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ học sinh cho các trường tiểu học từ năm 2006, khi cả ngành giáo dục còn chưa phổ cập công nghệ. Đến năm 2021, sau 21 năm 8 tháng đứng lớp, thầy Đôn chính thức nghỉ hưu và rồi bắt đầu chinh phục những đỉnh cao mới...
Năm 2008, khi tình cờ nhìn thấy viên đá cuội đặt trên bàn nhà một người bạn, Phạm Ngọc Đôn như bị “hút hồn”. Ông tâm sự: “Tôi bắt đầu mê đá cuội từ đấy. Đá cuội là người bạn dẫn dắt tôi vào con đường suiseki (đá cảnh nghệ thuật). Tôi đi, nghiên cứu, viết về đá cuội bằng kiến thức tâm lý học và mỹ học, phiêu cùng đá cuội về miền cát bụi xa xôi. Tôi tìm đến đá cuội qua các dòng sông, con suối, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những đỉnh cao mây trời bao phủ. Tôi hòa mình với thiên nhiên, đất trời, sông núi. Tôi sảng khoái khi dấu giày chạm tới đỉnh núi để được ngạo nghễ trên đỉnh non cao”.
Và từ đó, ông bắt đầu chinh phục những “nóc nhà” của cao nguyên: 10 lần leo lên đỉnh Chư Yang Lắk; 2 lần leo ngọn Chư Yang Sin; 3 lần trèo lên đỉnh Chư Mư ngắm hòn Vọng Phu; đặt chân tới thác Bay và ngắm thảo nguyên tuyệt đẹp Pa Sol (xã Ea Hiao)… Không chỉ chinh phục các “nóc nhà” ở Đắk Lắk, ông còn đi cùng đoàn đi qua những cung đường để đến thác Phi Liêng (Lâm Đồng); đỉnh Tà Năng - Phan Dũng; Mũi Đôi, điểm cực Đông Việt Nam tại Khánh Hòa...
Nhà thơ Đăng An trên đỉnh Chư Yang Lắk. Ảnh nhân vật cung cấp |
Phạm Ngọc Đôn với bút danh Đăng An viết nhiều thơ giàu chất trữ tình, thơ thiền và những cảm nhận về đá cuội. Tập thơ “Tình rừng” (Nxb Hội Nhà văn, năm 1999) đã giúp nhà thơ Đăng An trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Và tập thơ “Hồn cao nguyên” (Nxb Hội Nhà văn, năm 2025) là những đứa con tinh thần, kết quả của những chuyến đi hòa mình vào thiên nhiên.
Tại đỉnh Chư Mư, nơi có đá Vọng Phu, nhà thơ Đăng An đứng giữa giữa trời mây và nghe được cả tiếng đá khóc: “Mẹ con em đã hóa đá mất rồi!/ Đừng khóc nữa anh ơi/ Em biết rồi/ Anh đã vượt rừng cao núi thẳm/Tìm em/ Nhưng anh ơi.../ Anh hãy về nơi anh”.
Đăng An, cái tên không chỉ xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, qua thơ, văn, đá cuội và những chuyến đi, ông không chỉ là thầy giáo của bao thế hệ học trò vùng cao, mà còn là nghệ sĩ, người dành cả cuộc đời để học, để sống, để phiêu lãng giữa thiên nhiên hoang dã.
“Tôi là hạt bụi, cùng tung tẩy với gió bụi thiên hà” - ông viết như một lời tự khẳng định.
Trương Nhất Vương
Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202507/hanh-trinh-chinh-phuc-nhung-dinh-cao-cua-nguoi-thay-nghe-si-b1814f5/
Bình luận (0)