Công nhân Công ty Điện lực Quảng Trị trang bị đầy đủ bảo hộ, đảm bảo an toàn lao động khi làm việc -Ảnh: KHÁNH HƯNG
Tăng cường các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ được xác định là một trong những hoạt động quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với chính quyền, các sở, ban, ngành, chủ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ mất ATVSLĐ.
Nhìn lại hiệu quả Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động vàTháng công nhân năm 2024 của tỉnh Quảng Trị cho thấy, tình hình tai nạn lao động và cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đã được phòng ngừa, góp phần kiềm chế sự gia tăng tai nạn lao động, giảm thiểu thiệt hại về người.
Qua đó, giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ môi trường, tính mạng, sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư. Nhiều lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ đã được tổ chức. Hàng trăm cán bộ công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cán bộ làm công tác y tế lao động... được tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ, giám sát môi trường lao động, quản lý bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, huấn luyện thực hành công tác ATVSLĐ- phòng chống cháy nổ...
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công tác ATVSLĐ; tổ chức ký cam kết thi đua đảm bảo ATVSLĐ, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức hội thi, sinh hoạt ngày pháp luật và tuyên truyền trực quan thông qua “Góc bảo hộ lao động”; cấp phát tài liệu, sổ tay, áp phích, tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu và đăng tin, bài viết về hoạt động ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử Công đoàn tỉnh và trang facebook công đoàn các cấp. Các cấp công đoàn đã tổ chức 13 lớp tuyên truyền pháp luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động; phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn về ATVSLĐ cho 181 người.
LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ cấp huyện đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành 23 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ; thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt các nội dung như: xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ giữa các tổ, bộ phận; tổ chức tự kiểm tra công tác ATVSLĐ, đánh giá nguy cơ và rủi ro tại nơi làm việc.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 có chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” được triển khai từ ngày 1 - 31/5/2025.
Mục tiêu của tháng hành động năm nay là tạo đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh các hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải thiện điều kiện lao động, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng môi trường an toàn tại nơi làm việc.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, LĐLĐ tỉnh cùng các ngành chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ; quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ; vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tham gia với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động gắn với đặc điểm, đặc thù sản xuất của ngành, nghề, lĩnh vực, đặc biệt là trong các công việc có nguy cơ rủi ro cao; đề xuất với người sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn, “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, nhất là các hoạt động như: quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp; huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; chú trọng theo dõi kết quả khắc phục sau thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi và tặng quà cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm kịp thời chia sẻ những mất mát và động viên các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, công việc.
Phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ; đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.
Sỹ Hoàng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/hieu-qua-thang-hanh-dong-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-193885.htm
Bình luận (0)