Trung tâm Khuyến nông tỉnh bàn giao nguyên liệu hỗ trợ các hộ dân tham gia dự án “Xây dựng mô hình vùng nguyên liệu chuỗi thịt lợn an toàn”. |
Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, Nam Định từ lâu đã có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, năm 2024 tổng đàn lợn của toàn tỉnh đạt trên 587 nghìn con. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh liên tục phải đối phó với dịch bệnh nguy hiểm như: tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời gặp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Một trong những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng chính là sự thiếu liên kết. Các hộ chăn nuôi thường tự lo từ con giống, thức ăn, phòng dịch đến xoay sở đầu ra sản phẩm. Hệ quả là người chăn nuôi thường xuyên bị thương lái ép giá, dễ rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, trong khi người tiêu dùng dần thiếu niềm tin vào chất lượng sản phẩm thịt lợn trên thị trường do lo ngại về tồn dư kháng sinh, chất tạo nạc, hóa chất, các hormone tăng trưởng và quy trình chăn nuôi thiếu kỹ thuật… Chăn nuôi lợn có tiềm năng lớn nhưng cũng chứa đầy rủi ro, một câu hỏi đặt ra với các ngành chức năng là “Làm thế nào để chăn nuôi phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro và thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất?”.
Để giải quyết vấn đề trên, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình vùng nguyên liệu chuỗi thịt lợn an toàn” với quy mô 300 con lợn thịt tại các xã Xuân Thượng và Xuân Giang (Xuân Trường). Mô hình thực hiện theo hướng tiếp cận liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ - không chỉ giúp người chăn nuôi nắm vững kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào chuỗi giá trị thịt lợn với vai trò là mắt xích quan trọng, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thu mua. Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, kỹ thuật làm đệm lót chuồng nuôi lợn; phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong chăn nuôi lợn thịt và hợp tác với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí thức ăn (tương đương 112,5kg/con), 900 liều vắc-xin, 10 lít hóa chất sát trùng/con và 15kg chế phẩm sinh học cho toàn bộ đàn. Trong suốt quá trình, hộ chăn nuôi đã thay đổi các thói quen theo kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng và phòng bệnh cho vật nuôi. Đặc biệt là áp dụng đúng theo quy trình chăn nuôi với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ làm đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn, nước uống đến giám sát, phòng, chống dịch bệnh.
Do vậy, dù điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh trong vùng diễn biến phức tạp nhưng đàn lợn thịt trong mô hình vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, đạt các tiêu chí kỹ thuật của dự án đề ra. Cụ thể, trong 5 tháng từ nuôi đến xuất chuồng, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%; khối lượng trung bình khi xuất bán đạt 113,2kg/con. Tăng trọng bình quân lên tới 756 g/con/ngày - một con số rất khả quan trong bối cảnh giá thức ăn và chi phí đầu vào tăng cao. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được Công ty TNHH Công Danh, Cụm Công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) ký hợp đồng bao tiêu, chế biến sâu thành các sản phẩm như: xúc xích, giò chả… và tiêu thụ thịt lợn tươi các loại tại chuỗi cửa hàng tiện ích giúp khép kín chuỗi giá trị từ trang trại tới bàn ăn. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 23,9% so với sản xuất đại trà. Hiệu quả mô hình không chỉ thể hiện ở những con số “khô khan” mà còn thay đổi rõ rệt tư duy sản xuất của nông dân. Anh Trần Kiên Cường, xã Xuân Giang chia sẻ, tham gia dự án anh không chỉ học được những kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến mà còn hiểu rõ giá trị của việc liên kết, sản xuất theo chuỗi, tuân thủ quy trình và xây dựng thương hiệu. Từ đó tự tin mở rộng quy mô, liên kết giữa các hộ với nhau để hình thành vùng nguyên liệu thịt lợn an toàn nhằm phát triển bền vững trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Mô hình cũng được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đánh giá cao, coi đây là hạt nhân để nhân ra diện rộng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình và thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến cuối năm 2024, dự án đã nhân thêm được 2 mô hình.
Thành công bước đầu của dự án cho thấy, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, điều cần thiết là tiếp tục thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt việc sử dụng kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chế biến tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và tạo điều kiện để các mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác chăn nuôi phát triển, làm cầu nối giữa người dân và thị trường. Qua đó không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn mở hướng cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/hieu-qua-tu-mo-hinh-vung-nguyen-lieuchuoi-thit-lon-an-toan-e722563/
Bình luận (0)