Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng với tăng trưởng GRDP vùng đạt 8-9%/năm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế sang ngành công nghiệp - xây dựng; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin).
Trong quý I/2025, các tỉnh Khu vực 5 đạt mức tăng trưởng khá trong đó Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước ở mức 13,82% và là địa phương duy trì được mức tăng tổng sản phẩm địa phương GRDP hai con số trong suốt 5 năm qua, tiếp theo là Bắc Ninh tăng 9,05%, Lạng Sơn tăng 8,27%, Bắc Kạn tăng 7,94%, Cao Bằng tăng 6,01% và Thái Nguyên tăng 4,02%.
Bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, NHNN Khu vực 5 đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, đáp ứng vốn cho nền kinh tế nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Thực hiện giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay. NHNN đã chỉ đạo các NHTM điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm từ 0,1-0,9%/năm tùy kỳ hạn và hình thức gửi tiền. Đồng thời, các TCTD đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng, nhất là cho vay tiêu dùng, cho vay nhà ở xã hội đối với người nghèo, người thu nhập thấp để góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 6,54%/năm, giảm 0,4%/năm so với cuối năm 2024.
Kết quả đến hết tháng 3/2025, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD Khu vực 5 đạt 582.120 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2024. Trong đó: trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 122.542 tỷ đồng, tăng 3,27%, tỉnh Bắc Kạn đạt 16.062 tỷ đồng, tăng 0,76%, tỉnh Cao Bằng đạt 30.253 tỷ đồng, tăng 2,95%, tỉnh Lạng Sơn đạt 51.889 tỷ đồng, tăng 3,74%, tỉnh Bắc Giang đạt 132.277 tỷ đồng, tăng 8,53%, tỉnh Bắc Ninh đạt 229.097 tỷ đồng, tăng 1,96%.
Dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của Khu vực 5 đạt 534.997 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2024 (Trong đó: trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 123.089 tỷ đồng, tăng 3,99%, tỉnh Bắc Kạn đạt 16.078 tỷ đồng, tăng 3,05%, tỉnh Cao Bằng đạt 16.926 tỷ đồng, tăng 0,45%, tỉnh Lạng Sơn đạt 46.860 tỷ đồng, tăng 2,83%, tỉnh Bắc Giang đạt 124.073 tỷ đồng, tăng 9,71%, tỉnh Bắc Ninh đạt 207.971 tỷ đồng, tăng 6,73%). Về cơ cấu tín dụng, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,03%, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,04%, lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm 60,93%.
Đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được các TCTD trên địa bàn quan tâm thực hiện hiệu quả, trong 3 tháng đầu năm 2025, các TCTD đã cấp tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với doanh số đạt 67.276 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 173.700 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2024 và chiếm 32,47%/tổng dư nợ toàn địa bàn với 787.563 khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn là 2.227 tỷ đồng, chiếm 1,28%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng cho vay đối với các xã xây dựng nông thôn mới với dư nợ đạt 133.253 tỷ đồng, chiếm 24,9%/tổng dư nợ toàn địa bàn với 590.613 hộ dân, 1.897 doanh nghiệp và 63 hợp tác xã còn dư nợ. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn đã tăng cường thực hiện đối thoại/kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 18/3/2025, NHNN đã tổ chức Công bố Quyết định, ra mắt NHNN Khu vực 5 và Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 5” do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn và ông Nguyễn Huy Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
Trên địa bàn, có trên 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã có các chương trình cho vay ưu đãi đối với loại hình doanh nghiệp này như ưu đãi về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm 2025, doanh số cấp tín dụng đối với DNNVV đạt 32.179 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 75.919 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024 và chiếm 14,19%/tổng dư nợ toàn địa bàn với 7.345 DNNVV còn dư nợ, nợ quá hạn là 2.658 tỷ đồng chiếm 3,5%/tổng dư nợ cho vay DNNVV.
Khu vực 5 cũng là trung tâm phát triển công nghiệp với các khu, cụm công nghiệp có nhiều công nhân nên nhu cầu về nhà ở cao, việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội rất cấp thiết. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án nhà ở xã hội, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cho vay đối với 04 dự án nhà ở xã hội (tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn) trong đó đã cấp hạn mức 370 tỷ đồng cho chủ đầu tư, doanh số giải ngân là 244,2 tỷ đồng; cho người mua nhà vay đạt gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, từng ngân hàng có các chính sách riêng về cho vay nhà ở như: chương trình cho vay nhà ở theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội; một số ngân hàng thương mại như BIDV, VCB, Agribank đang triển khai gói tín dụng cho người trẻ có nhà... Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho người dân an cư lập nghiệp.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/hoat-dong-cua-he-thong-ngan-hang-khu-vuc-5-gop-phan-phat-trien-kinh-te-dia-phuong-163861.html
Bình luận (0)