Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồi sinh vùng san hô quý ở Cát Bà

Sau quãng thời gian bị suy giảm nghiêm trọng, các rạn san hô ở quần đảo Cát Bà (đặc khu Cát Hải) đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng16/07/2025

san-ho(1).jpg
Thả phao bảo vệ rạn san hô trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà

Chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương, nhưng hệ sinh thái rạn san hô là nơi trú ngụ của hơn 25% loài sinh vật biển trú ngụ, nên đây được ví như “lá phổi” của đại dương. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Ngải, Viện phó Viện Tài nguyên và Môi trường biển, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các rạn san hô trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà bị suy giảm cả về độ phủ, diện tích và số lượng loài. Nguyên nhân chủ yếu bởi hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, đánh cá bằng các phương thức hủy diệt, hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái biển thiếu quy hoạch.

Những năm gần đây, rạn san hô tại vùng biển này đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Đây là kết quả từ nỗ lực bảo vệ rạn san hô của Vườn quốc gia Cát Bà từ năm 2021 đến nay, trong đó có chương trình “Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô” trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E). Chương trình do Vườn quốc gia Cát Bà phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện với nguồn kinh phí tài trợ của Tập đoàn TH.

phao-bao-ve.jpg
Những chiếc phao mang tính cảnh báo, như những đốm lửa thắp lên ý thức bảo tồn biển và bảo vệ thiên nhiên của người dân

Dựa trên các kết quả giám sát, Vườn quốc gia Cát Bà đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô khu vực này, bao gồm: Thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô. Đến nay, Tập đoàn TH phối hợp với Vườn quốc gia Cát Bà thiết lập hệ thống gần 100 quả phao neo bảo vệ gần 34 ha diện tích mặt biển có rạn san hô phân bố tại các khu vực: Vạn Tà, Giỏ Cùng và Ba Đình trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Mỗi khối có kích thước 40x40x40 cm, nặng khoảng 1 tạ, có hệ thống dây kết nối với quả phao trên mặt nước. Ông Nguyễn Năm Thắng, cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà cho biết, trước đây bộ phận kỹ thuật chỉ dùng 1 dây cáp để nối quả phao. Từ năm 2024 đã gia cố thêm 1 dây thừng. "Dây thừng này rất bền, có tuổi thọ khoảng 10 năm. Mỗi năm chúng tôi đều bảo dưỡng quả phao và thay mới dây nối nếu cần", ông Thắng nói.

san-ho-cat-ba(1).jpg
Các rạn san hô ở Cát Bà đang trong giai đoạn phục hồi tích cực. Ảnh: Vườn quốc gia Cát Bà

Kết quả của việc thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ rạn san hô khá rõ nét. Những quả phao màu cam trên mặt biển có tính cảnh báo mạnh, ngăn tàu thuyền du lịch hay tàu đánh cá neo đậu tại các khu vực đó làm ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của các rạn san hô bên dưới. Khi hệ thống phao neo được thả với mật độ đủ dày, đồng nghĩa với việc diện tích cần bảo tồn được xác định trực quan, dễ nhận diện. Từ đây giúp người dân, tàu thuyền qua lại nhanh chóng nhận ra khu vực có rạn san hô cần bảo vệ để chủ động tránh, không neo đậu tàu thuyền, đồng thời phao neo còn tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật, hạn chế đánh bắt trái phép trong các phân vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô.

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững của Tập đoàn TH cho biết: "Bảo tồn rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà là một trong nhiều dự án được Tập đoàn triển khai trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam. Việc Tập đoàn TH hỗ trợ Vườn quốc gia Cát Bà thả phao khoanh vùng sinh thái rạn san hô là một trong những giải pháp quan trọng nhằm quản lý, thực thi pháp luật, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô".

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn Cát Bà cho biết: "Trên thế giới hoạt động thả phao neo nhận diện khu vực cần bảo tồn được thực hiện rất phổ biến. Nó góp phần xác định rõ các khu vực phân bố của rạn san hô; giúp các phương tiện khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch có thể xác định được ranh giới vùng bảo vệ, tránh người dân đi lại trong khu vực này; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm tra và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các vụ vi phạm".

Trên thế giới, hoạt động thả phao neo nhận diện khu vực cần bảo tồn được thực hiện rất phổ biến. Tại Việt Nam, đây là hoạt động bắt buộc theo Luật Thủy sản khi muốn thiết lập khu vực bảo tồn. Vì điều kiện kinh phí còn khó khăn nên hệ thống phao neo ở nhiều khu bảo tồn, trong đó có Vườn quốc gia Cát Bà chưa thực sự đầy đủ. Sự hỗ trợ của Tập đoàn TH trong thời gian qua là việc làm thiết thực, thúc đẩy hoạt động bảo tồn hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều khu vực phục hồi rạn san hô trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà chưa được thiết lập hệ thống phao neo bảo vệ. Việc phục hồi rạn san hô tại vùng biển Cát Bà sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém về kinh phí. Với sự chung tay của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, rạn san hô quý trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà nói riêng và toàn bộ khu vực biển phía Bắc Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội phục hồi trong thời gian tới.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), vùng biển quần đảo Cát Bà có khoảng 84 loài san hô cứng thuộc 33 giống 11 họ, 1 bộ. Các rạn san hô ven đảo Cát Bà thuộc cấu trúc rạn viền bờ không điển hình và chia thành 3 kiểu rạn phụ là rạn kín, rạn nửa kín và rạn hở. Tổng diện tích rạn ước tính khoảng 85 ha, rạn san hô phân bố rải rác và thường nhỏ, hẹp. Các khu vực có rạn san hô tốt là đảo Áng Thảm, Cát Dứa , Mũi Hồng, Ba trái đào (ở phía Đông Nam đảo Cát Bà), cụm đảo Đầu Bê- Hang Trai và Long Châu.

BẢO NAM

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/hoi-sinh-vung-san-ho-quy-o-cat-ba-416476.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm