Cốm thành phẩm được đóng gói, hút chân không trước khi đưa đến tay khách hàng. |
Ký ức mùa cốm xưa
Không ai nhớ chính xác nghề làm cốm ở xóm Sơn Vinh có từ bao giờ. Chỉ biết, mỗi độ lúa tháng Mười vừa chớm ngả vàng, khắp làng lại rộn vang tiếng chày cối, tiếng nói cười râm ran. Bà Trần Thị Mạ, năm nay ngoài 70 tuổi, vẫn nhớ như in những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với cốm. “Ngày ấy, cả vùng này chỉ có làng tôi làm cốm. Mỗi mùa gặt, thanh niên trong làng làm cốm suốt đêm mà chẳng ai thấy mệt. Vui lắm!”, bà kể, ánh mắt ánh lên vẻ hào hứng pha lẫn nỗi niềm tiếc nhớ.
Ký ức của bà Mạ hiện lên rõ ràng như thước phim quay chậm: những đêm se lạnh, làng xóm quây quần bên bếp lửa, từng đôi bàn tay thoăn thoắt giã cốm, mùi lúa mới quyện cùng tiếng chày nhịp nhàng, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng cười rổn rảng của các bà, các chị. Cốm khi ấy không chỉ là món ăn, mà là kết tinh của tình làng nghĩa xóm, của thanh xuân và ký ức.
“Làm cốm ngày xưa phải giã bằng tay, từ tuốt lúa, rang, sàng đến giã đều làm thủ công. Chọn lúa nếp vải vừa chín tới, tuốt từng nắm nhỏ, rang bằng chảo hoặc thui bằng than trong lò đất. Nếu thui thì phải thay vỉ lứa vài lần để cốm chín đều và lên màu xanh đẹp mắt” - bà Mạ kể.
Cốm giã xong mang mời khách, ăn kèm với đỗ xanh đồ lên rồi dầm nhuyễn. Mùi thơm của cốm nếp quyện cùng vị bùi của đỗ xanh tạo nên hương vị rất khó quên. Trong ánh nhìn xa xăm của bà Mạ, dường như cả một thời tuổi trẻ lại ùa về trong sắc cốm xanh non ngày ấy.
Chuyển mình cùng nhịp sống mới
Dù mang giá trị văn hóa đặc sắc, nghề làm cốm ở Sơn Vinh đã từng đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng nhờ những người tâm huyết như chị Nguyễn Thị Hè, con dâu bà Mạ, nghề cũ nay đã tìm được sức sống mới.
Học từ mẹ và bà, chị Hè tìm cách kết hợp kỹ thuật truyền thống với máy móc hiện đại. Mẻ cốm đầu tiên làm bằng máy chỉ cho ra được... 2kg cốm từ cả bao thóc. Nhưng chị không nản, làm càng rút kinh nghiệm, đến nay, sản phẩm do gia đình chị làm ra được đánh giá là ngon nhất nhì trong vùng.
Bà Mạ hiện phụ giúp vợ chồng chị Hè một vài công đoạn làm cốm tại xưởng |
Mỗi vụ lúa, chị Hè cùng chồng mình là anh Ma Khắc Chung có thể làm từ 5-6 tạ thóc, ngày cao điểm lên đến 1 tấn. Nếu như trước đây, thóc được đãi trong chậu, rang trên chảo thì nay, họ đã cải tiến bằng bể đãi, tôn sao chè được chế lại để phù hợp rang thóc, vừa tiết kiệm công, vừa tăng sản lượng. Thóc sau rang được đưa qua máy đập vỏ, sàng, ép thay cho các công đoạn giã, sàng thủ công trước kia.
Những cải tiến ấy giúp cốm Sơn Vinh giữ được hương vị truyền thống, lại đồng đều, sạch sẽ, hấp dẫn hơn. Thị trường ngày càng ưa chuộng sản phẩm, khiến chị Hè quyết tâm mở rộng sản xuất.
Tổ hợp tác - Điểm tựa cho hạt cốm vươn xa
Tháng 3 năm 2022, chị Hè cùng 14 thành viên khác thành lập Tổ hợp tác sản xuất cốm nếp vải Sơn Vinh. Với hệ thống máy móc hiện đại, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn và quy trình bài bản, tổ hợp tác không chỉ giúp gia đình chị mà còn tạo sinh kế cho nhiều hộ khác trong xóm.
Được hỗ trợ học hỏi kinh nghiệm từ làng cốm Mễ Trì (Hà Nội), chị Hè tiếp thu bí quyết điều chỉnh nhiệt độ và thêm nước trong quá trình rang, giúp cốm mềm hơn, dẻo hơn, thơm hơn. “Học được cái hay rồi, mình về cải tiến cách làm của mình thôi. Cốt lõi vẫn là giữ chất cốm của quê hương,” chị chia sẻ.
Nhờ chất lượng vượt trội, cốm Sơn Vinh do vợ chồng chị Hè và các thành viên tổ hợp tác làm ra đến đâu hết đến đó. Không còn cảnh mang ra chợ phiên bán lẻ, khách hàng giờ chủ động tìm đến tận xưởng để mua. Thậm chí, nhiều mối đặt hàng quanh năm, mở ra triển vọng xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm làng nghề.
Với vùng nguyên liệu 5ha nếp vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ hợp tác đã cho ra thị trường gần 10 tấn cốm mỗi vụ. Năm 2023, cốm nếp vải Sơn Vinh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến năm 2024, tiếp tục được vinh danh là “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên”.
Mới đây nhất, tại hội nghị Tôn vinh nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ 2 năm 2025, chị Nguyễn Thị Hè được vinh danh là Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với doanh thu 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 851 triệu đồng.
Vợ chồng chị Hè, anh Chung thu hoạch lúa nếp, nguyên liệu làm cốm. |
Giữa cuộc sống nông thôn đang chuyển mình từng ngày, nghề làm cốm Sơn Vinh vẫn giữ được hồn cốt quê nhà. Hơn cả một sản phẩm ẩm thực, cốm nơi đây mang theo câu chuyện của những con người yêu nghề, cần mẫn, sáng tạo và biết gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại.
Từ đôi bàn tay thủ công đến máy móc hện đại, từ ký ức giã cốm đêm khuya đến xưởng sản xuất rộng rãi hôm may, những hạt cốm xanh như vẫn giữ nguyên hương vị của đất trời, của tình làng nghĩa xóm, và cả niềm tự hào của người Định Hóa, Thái Nguyên.
Ngày nay, ngoài sản phẩm cốm truyền thống, nhờ có các thiết bị hỗ trợ bảo quản cốm vẫn thơm ngon trong thời gian dài, chị Hè còn sáng tạo thêm nhiều loại bánh Tết làm từ cốm mang đậm hương vị mùa xuân, mở rộng thêm hướng đi cho sản phẩm làng nghề.
“Cốm có thể bảo quản trong tủ đá rất lâu mà vẫn giữ nguyên chất lượng,” chị Hè chia sẻ, như một lời khẳng định về tiềm năng vươn xa của sản phẩm quê mình.
Mỗi mùa cốm về, người Sơn Vinh không chỉ làm ra một thức quà quê dân dã, mà như đang gói ghém cả một miền ký ức, một mạch văn hóa lâu đời vào từng hạt cốm xanh non. Từ đôi tay cần mẫn của người làng, những hạt cốm thơm dẻo ấy như lưu giữ và lan tỏa hồn cốt quê hương, thầm lặng nối nhịp quá khứ với hiện tại, từ mẹt tre đầu ngõ đến những gian hàng đặc sản ở khắp vùng miền. Trong từng hạt cốm xanh, hồn quê vẫn còn đó, đằm sâu, bền bỉ và không ngừng lan tỏa.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/hon-que-trong-tung-hat-ngoc-xanh-3462239/
Bình luận (0)