Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương, đại diện HTX Thanh long sạch Hòa Lệ (xã Hàm Thuận, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, trước đây, chị từng nghe đến công nghệ AI nhưng chưa biết cách ứng dụng sâu vào sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Mới đây, nhờ tham gia lớp tập huấn về ứng dụng AI trong xúc tiến thương mại do Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức, chị đã áp dụng nhiều kiến thức vào thực tế. Cụ thể, từ một người sử dụng công nghệ còn nhiều hạn chế, giờ đây chị Hương đã có thể chỉnh sửa hình ảnh sản phẩm đẹp, sắc nét khi đăng trên các nền tảng số. Ngoài ra, nhờ công cụ AI gợi ý các ý tưởng, chị Hương còn tự viết nội dung quảng bá sản phẩm hấp dẫn, đúng trọng tâm.
Bên cạnh đó, công nghệ AI còn giúp HTX của chị Hương tiếp cận thêm quy trình chăm sóc cây thanh long, cách sử dụng thuốc, phân bón hợp lý và hiệu quả. Ở khâu chế biến, chị cũng học được nhiều công thức mới, tạo sự khác biệt cho sản phẩm.
Các sản phẩm chế biến từ thanh long của HTX Thanh long sạch Hoà Lệ
"Nhờ được tập huấn, các doanh nghiệp và HTX được làm quen với các công cụ như ChatGPT, Canva, Google Gemini, Microsoft Copilot… Từ đó, chúng tôi biết cách ứng dụng vào việc viết bài bán hàng, thiết kế hình ảnh, xây dựng kế hoạch phát triển, xử lý các báo cáo nội bộ của doanh nghiệp. Một số nội dung công việc chúng tôi từng phải mất hàng giờ để xử lý thì nay, với sự hỗ trợ của công nghệ số, chỉ vài phút là đã có hướng giải quyết. Điều này giúp HTX tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí", chị Hương chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, tại Lâm Đồng, nhiều HTX đã bước đầu tìm hiểu quy trình xây dựng "nhân viên AI" - những trợ lý số đảm nhiệm các công việc cụ thể tự động hóa quy trình làm việc. Nhờ công cụ AI ngày càng dễ tiếp cận, chi phí triển khai ngày một giảm, các HTX mạnh dạn thay đổi thích ứng trong cuộc đua nâng cao giá trị sản phẩm, tối ưu vận hành và tiếp cận khách hàng. Việc ứng dụng các công cụ công nghệ số đã giúp ban điều hành các HTX tiết kiệm thời gian cho nhiều khâu, tạo điều kiện tập trung nguồn lực cho phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Theo báo cáo của các đơn vị, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trong tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều bước tiến quan trọng trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Một lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông số cho cán bộ Hội Phụ nữ Lâm Đồng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các HTX, doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn trong việc tiếp cận và đưa các ứng dụng số vào sản xuất, kinh doanh, quản lý và điều hành. Phần lớn các HTX, doanh nghiệp kinh doanh còn thiếu nền tảng công nghệ số, đội ngũ nhân lực có trình độ kỹ thuật hạn chế, kỹ năng số còn yếu, trong khi thị trường ngày càng đòi hỏi tính linh hoạt, minh bạch và hiệu quả...
Ứng dụng công nghệ số được xác định là cuộc cách mạng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp khu vực kinh tế tập thể, các HTX nhanh chóng bắt kịp xu hướng, tạo ra lợi thế vượt trội. Chắc chắn, khi doanh nghiệp, HTX có chiến lược phát triển đúng hướng, cộng với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số sẽ giúp họ "bứt tốc" trong kỷ nguyên số, góp phần làm mới diện mạo của kinh tế tập thể Lâm Đồng trong thời kỳ số hóa.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/hop-tac-xa-nang-cao-hieu-qua-kinh-doanh-nho-cong-nghe-so-20250718170904312.htm
Bình luận (0)