Nhiều “mái nhà thông minh” tại Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga giúp doanh nghiệp chủ động nguồn năng lượng và tiết kiệm chi phí.
Chỉ với số tiền hơn 70 triệu đồng đầu tư cho hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 3,4kW lắp đặt trên mái sân thượng, gia đình chị Nguyễn Thị Phương (phường Hạc Thành) vừa chống nóng hiệu quả thay cho việc lợp tôn, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí tiền điện. Theo hệ thống theo dõi từ khi lắp đặt (năm 2019) đến nay, gia đình chị đã tiết kiệm được gần 40 triệu đồng. Chị Phương chia sẻ, hệ thống này giúp giảm chi phí điện khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng, đặc biệt vào thời gian cao điểm mùa hè, sự chủ động của nguồn điện mặt trời đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình thông suốt, không lo mất điện khi xảy ra sự cố quá tải từ điện lưới.
Không chỉ mang lại lợi ích rõ rệt cho các hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng nhận thức rõ hiệu quả và tính chủ động mà điện mặt trời mái nhà mang lại. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty CP Điện Mặt Trời Thái Dương Thanh Hóa đã tích hợp hệ thống điện mặt trời vào mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao vốn tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể. Đại diện DN cho biết, nhờ lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để vận hành máy móc vào ban ngày, chi phí năng lượng của trang trại đã được cắt giảm khoảng 70% mỗi tháng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong công nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Mạnh Đại Phát cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà gần 1MWp, hòa lưới để sử dụng chung cho hệ thống điện của nhà máy may mặc. Nhờ đó, vào thời điểm nắng nóng mùa hè năm nay, DN đã tiết kiệm được từ 80 đến 150 triệu đồng mỗi tháng tiền điện, giảm đáng kể áp lực chi phí sản xuất trong bối cảnh giá điện lưới tăng.
Vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tích hợp pin lưu trữ tại khu cư xá của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Theo số liệu từ Công ty Điện lực Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 613 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt đạt 66,8MWp, được đấu nối với lưới điện quốc gia trước ngày 31/12/2020 theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Điện mặt trời mái nhà sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật như là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần khuyến khích phát triển kinh tế xanh. Chi phí thi công đầu tư cũng rất hợp lý, nhanh gọn, đơn giản. Không chỉ tiết kiệm chi phí mua điện lưới, đây còn là giải pháp mà DN và người dân đồng hành cùng ngành điện giảm áp lực phụ tải đỉnh trong các giờ cao điểm trưa, hỗ trợ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định.
Dự báo nhu cầu sử dụng điện năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng cao nhờ đà phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Công ty Điện lực Thanh Hóa dự ước sản lượng điện thương phẩm năm 2025 đạt 9,02 tỷ kWh, tăng trưởng 16,08% so với cùng kỳ. Trong khi nguồn cung mới từ các nhà máy chưa được cải thiện, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được xem là giải pháp cần thiết và hữu hiệu để chủ động nguồn năng lượng, giảm áp lực cho lưới điện.
Nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ngày 3/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo. Nghị định này không chỉ đưa ra các cơ chế khuyến khích, mà còn đề ra những quy định cụ thể nhằm tối ưu hóa quá trình phát triển các nguồn năng lượng sạch. Đặc biệt, nghị định cho phép các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được bán phần sản lượng điện dư cho bên mua điện với tỷ lệ không quá 20%, bao gồm cả phần sản lượng điện lưu trữ tại hệ thống lưu trữ điện nếu có.
Theo các DN cung ứng, lắp đặt điện năng lượng mặt trời, bước vào mùa hè năm nay, nhu cầu từ khối hộ gia đình tăng đáng kể so với các năm trước. Theo ông Lê Quang Tiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Kỷ Nguyên Mới, tính đến giữa năm 2025, đơn vị đã cung cấp và triển khai hơn 400 hệ thống điện mặt trời với tổng công suất trên 55MWp, mang đến cho khách hàng những giải pháp thông minh, tối ưu chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cao. Với mức giá lắp đặt hiện đã giảm 30 - 40% so với trước, thời gian hoàn vốn rút ngắn chỉ còn 3 - 5 năm, nhu cầu tìm hiểu, lắp đặt điện năng lượng mặt trời tại đơn vị đã tăng khoảng 300% so với năm ngoái. Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm phê duyệt đơn giá bán điện lên lưới quốc gia đối với phần sản lượng dư 20% để khuyến khích nhiều hơn các hộ dân, DN quan tâm và mạnh dạn đầu tư vào mô hình này.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ich-loi-tu-nhung-mai-nha-thong-minh-254665.htm
Bình luận (0)