Tuy vậy, tỷ lệ sản phẩm được chứng nhận chất lượng còn thấp; liên kết chuỗi, chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đây là khẳng định của ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông, lâm sản các tỉnh Tây Bắc” diễn ra ngày 1/7 tại Sơn La.
Phát huy lợi thế vùng cao, hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản Tây Bắc
Tại diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận giải pháp phát triển sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị nông sản vùng cao gắn với chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Diễn đàn do Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Hội Làm vườn Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La tổ chức.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Quốc Doanh đánh giá, Tây Bắc là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển nông, lâm sản hàng hóa nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đa dạng sinh học. Trong 10 năm qua, diện tích trồng cafe tại khu vực tăng 54%, sản lượng tăng 265%, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây ăn quả, cây dược liệu. Tuy vậy, tỷ lệ sản phẩm được chứng nhận chất lượng còn thấp; liên kết chuỗi, chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Doanh, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo. Đồng thời, cần xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và địa phương.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, trong gần 10 năm qua, địa phương đã chuyển đổi và trồng mới gần 62.000ha cây ăn quả.
Hiện toàn tỉnh có hơn 120.000ha cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, sản lượng tương ứng đạt khoảng 510.000 tấn và 102.000 tấn. Sơn La đã xây dựng được 216 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 201 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; hơn 5.500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và gần 30.000 tấn cafe được chứng nhận bền vững.
Đẩy mạnh chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để nâng tầm nông sản vùng cao
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho biết, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn như địa hình dốc, sản xuất phân tán, chi phí cao, thiếu liên kết hợp đồng bền vững với doanh nghiệp, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu ổn định 90.000ha cây ăn quả và 25.000ha cafe, nâng cao tỷ lệ diện tích đạt VietGAP, tăng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chế biến sâu, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng trung du và miền núi phía bắc.
Ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh, Sơn La xác định rõ muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch và giá trị sản phẩm. Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ là yếu tố quyết định chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, tưới thông minh... nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Các ý kiến tại Diễn đàn thống nhất nhận định, để nông nghiệp Tây Bắc phát triển bền vững, cần tập trung hoàn thiện hạ tầng sản xuất, tăng cường liên kết vùng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số trong quản lý chuỗi giá trị. Đồng thời, cần ưu tiên quy hoạch sản xuất theo điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong kiểm soát sâu bệnh, chọn tạo giống và chế biến sau thu hoạch.
Diễn đàn cũng lan tỏa tinh thần Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản Tây Bắc hiệu quả, vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/ket-noi-san-xuat-va-thuong-mai-dac-san-vung-cao-tay-bac-post890969.html
Bình luận (0)