BHG - Những năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2024 đến nay, với sự quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh trở thành một chiến dịch xã hội có quy mô sâu rộng, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo đã được ở trong ngôi nhà mới sạch đẹp, vững chắc.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (BCĐ), số nhà tạm, nhà dột nát cần làm mới, sửa chữa đã được phê duyệt là 10.774 nhà, gồm xây mới, sửa chữa cho người có công; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động và các địa phương tự huy động.
Triển khai Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 19.11.2024 của BCĐ tỉnh, với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, ngay từ đầu năm 2025, BCĐ từ tỉnh đến huyện, xã, thành viên BCĐ được phân công phụ trách từng địa bàn, thực hiện đôn đốc, giám sát, kiểm tra định kỳ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là trong khâu giải ngân kinh phí và tiến độ thi công. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa, góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn sâu sắc của chương trình.
Lãnh đạo huyện Đồng Văn kiểm tra tiến độ, chất lượng xây nhà cho hộ dân tại thị trấn Đồng Văn. |
Đặc biệt, tại Phiên họp lần thứ Tư của BCĐ ngày 21.4.2025, tinh thần chỉ đạo được nâng lên một tầm cao mới khi tỉnh khẳng định: “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình an cư lạc nghiệp”, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng tốc độ triển khai, đảm bảo hoàn thành dứt điểm đúng lộ trình đã cam kết.
Kết quả thực hiện đến ngày 25.4.2025 cho thấy rất khả quan. Đối với số nhà cho người có công 80 nhà, đã khởi công 75 (xây mới 38, sửa chữa 37), đã hoàn thành 61 nhà, tỷ lệ hoàn thành đạt 76,25%. Số nhà chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 7.113 nhà, số nhà đã khởi công 1.666 nhà; trong đó xây mới 1.349 nhà, sửa chữa 317 nhà, số nhà đã hoàn thành 573 nhà, đạt tỷ lệ 8,1%. Số nhà theo chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi 552 nhà; trong đó đã khởi công 259 nhà, đã hoàn thành 104 nhà, đạt tỷ lệ 19%.
Đặc biệt, đối với nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo ngoài chương trình MTQG và theo phát động của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 2.943 nhà được phê duyệt; trong đó số nhà đã khởi công 2.943 nhà, số nhà xây mới 2.746 nhà, số nhà sửa chữa 197 nhà, số đã hoàn thành 2.634 nhà, đạt tỷ lệ 90%. Đến nay đã có một số địa phương đạt tỷ lệ 100% trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chương trình do Thủ tướng Chính phủ phát động như: Huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình, thành phố Hà Giang.
Điểm đáng chú ý là ngoài ngân sách nhà nước và các chương trình quốc gia, một số huyện đã chủ động huy động nguồn lực xã hội để làm nhà cho người dân với tổng số 86 căn (77 xây mới, 9 sửa chữa). Đặc biệt, đã huy động được 98.386 ngày công từ các lực lượng và nhân dân, trong đó riêng lực lượng vũ trang đóng góp tới 16.969 ngày công – cho thấy tinh thần “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thực chất.
Đoàn viên công đoàn huyện Yên Minh chung tay hỗ trợ hộ nghèo xã Sủng Thài xoá nhà tạm, nhà dột nát. |
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng BCĐ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh cho biết: “Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bản tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan và tỉnh Hà Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát được BCĐ Trung ương biểu dương, đánh giá cao. Kết quả đó đã thể hiện quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn có địa phương chưa bám sát tiến độ, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại hoặc thiếu quyết liệt trong điều hành. Do đó, trong thời gian tới, BCĐ tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo: Kết quả triển khai chương trình là căn cứ để đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Địa phương nào chậm trễ, không đạt yêu cầu sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí điều chuyển, thay thế nếu cần thiết.
Tại các cuộc họp của BCĐ tỉnh với các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh luôn nhấn mạnh: “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác”. Đồng thời quán triệt phương châm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thủ tướng Chính phủ đó là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”. Từ ý nghĩa nhân văn cao cả đó, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Địa phương nào không hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đúng tiến độ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; kết quả triển khai chương trình sẽ là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại và sắp xếp cán bộ”. Đây không chỉ là lời nhắc nhở, mà còn là mệnh lệnh hành động, đặt trách nhiệm chính trị trực tiếp lên vai lãnh đạo các địa phương.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với kết quả bước đầu khả quan, cùng sự chỉ đạo quyết liệt từ BCĐ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng mục tiêu “không còn nhà tạm, nhà dột nát” sẽ sớm trở thành hiện thực vào cuối năm 2025.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Nguồn: https://baohagiang.vn/chung-tay-xoa-nha-tam--nha-dot-nat/202505/ket-qua-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-lam-tieu-chi-de-danh-gia-sap-xep-can-bo-dca006a/
Bình luận (0)