Sau thời gian chăn thả trên đồi, ông Lò Văn Ộn, xóm Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) chăm sóc đàn trâu tại chuồng để phát triển tốt.
Đà Bắc là huyện vùng cao có diện tích đất rừng sản xuất lớn. Từ lâu, bà con nơi đây đã phát triển mạnh nghề chăn nuôi gia súc, nhất là trâu, bò và hiện nay mở rộng chăn nuôi dê. Điển hình như gia đình ông Lò Văn Ộn, xóm Cang, xã Đoàn Kết, với 5 ha đồi rừng, nhiều năm qua đã duy trì nghề nuôi trâu. Từ 2 con trâu sinh sản, mỗi năm gia đình ông có thêm 2 con nghé. Tiền bán trâu giống cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Ông Ộn chia sẻ: "Ở vùng cao chăn nuôi là phù hợp nhất. Hằng ngày tôi thả trâu trong đồi của gia đình, chiều lại lùa về. Thời gian chăn trâu vẫn tranh thủ chăm sóc được đồi rừng. Nuôi trâu phù hợp nhưng hiện tại giá hơi thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao”.
Cũng có diện tích đất đồi rộng, mấy năm gần đây, gia đình bà Sa Thị Đầy, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc) đã chuyển từ nuôi bò sang nuôi dê. Theo bà Đầy, nuôi bò gặp khó do giá bán giảm. Vì vậy, 3 năm trước, gia đình bà bán bò, vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển sang nuôi dê. Hiện nay, khu đồi trồng bồ đề, trẩu của gia đình đã được 4 - 5 năm tuổi, rất phù hợp để phát triển chăn nuôi. Bà Đầy chia sẻ: "Gia đình mua giống dê ta để nuôi, thích hợp với điều kiện chăn thả tại địa phương. So với nuôi bò, nuôi dê hiệu quả kinh tế cao hơn vì dê sinh sản nhanh, ăn tạp, dễ bán và giá ổn định”.
Nuôi dê cũng là hướng đi được nhiều người dân ở huyện vùng cao Đà Bắc chú trọng, tập trung tại các xã Tú Lý, Cao Sơn, Nánh Nghê, Giáp Đắt. Ngoài ra, tận dụng diện tích đồi rừng, có những hộ dân còn phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa, tập trung ở các xã Cao Sơn, Đoàn Kết và Tân Minh. Theo số liệu của UBND huyện Đà Bắc, toàn huyện hiện có đàn gia súc trên 58 nghìn con. Trong đó, đàn trâu hơn 9,3 nghìn con, đàn bò hơn 10,4 nghìn con, đàn dê trên 8,4 nghìn con, đàn lợn gần 30 nghìn con.
Trên phạm vi toàn tỉnh, những năm qua, việc khai thác lợi thế đồi rừng để chăn nuôi gia súc cũng được người dân chú trọng. Ngoài chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn bản địa, một số địa phương còn phát triển mô hình nuôi gà thả đồi, điển hình như tại các huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn. Đến hết quý I/2025, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt trên 103 nghìn con; đàn bò hơn 89 nghìn con; đàn lợn gần 559 nghìn con; đàn gia cầm gần 8,5 triệu con.
Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh cho biết: Những năm gần đây, biến động giá cả thị trường đã ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu, bò. Do hạn chế về bãi chăn thả, nhiều hộ dân chuyển sang nuôi nhốt hoặc chăn dắt. Tuy nhiên, ở một số xã vùng cao, lợi thế đồi rừng rộng vẫn tạo điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc. Để chăn nuôi hiệu quả, người dân cần tận dụng nguồn thức ăn sẵn có nhằm giảm chi phí, đồng thời chú trọng phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ để hạn chế rủi ro.
Viết Đào
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/12/200984/Khai-thac-loi-the-doi-rung-phat-trien-chan-nuoi.htm
Bình luận (0)