Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai thác lợi thế phát triển thủy sản

Tận dụng lợi thế từ diện tích mặt nước, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực đưa các giống mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Báo Phú ThọBáo Phú Thọ26/05/2025

Khai thác lợi thế phát triển thủy sản

Ông Trần Văn Trọng (đứng giữa) khu Dốc Ngát, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm càng xanh.

Toàn tỉnh hiện có trên 11.300ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó, diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.600ha; diện tích nuôi tận dụng hồ chứa, ruộng 1 vụ là 5.700ha. Với lợi thế diện tích mặt nước lớn, môi trường nước trong lành, nguồn lợi thủy sản phong phú và giàu dinh dưỡng thuận lợi để phát triển các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc cho từng đối tượng thủy sản.

Qua đó, các hộ nuôi đã có thêm kiến thức, chủ động phát triển thủy sản với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: Nuôi trong ao, đầm, nuôi hồ chứa, nuôi bể, nuôi lồng, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa; qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần gia tăng giá trị kinh tế.Huyện Cẩm Khê có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 1.800ha, trong đó có 76 hồ đập các loại với tổng diện tích 136ha.

Trên địa bàn huyện có nhiều sông ngòi chảy qua, cung cấp nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân địa phương. Xác định những lợi thế trên, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất thủy sản tập trung theo hướng hàng hóa; quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản; đưa khoa học công nghệ vào nuôi thủy sản.

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 14 khu nuôi và ương giống thủy sản tập trung với sự tham gia của gần 800 hộ dân như: Vùng đồng Láng Chương, đồng Mèn, đồng Hồ, đồng Sộp; vùng nuôi Sơn Tình - Phú Khê - Tạ Xá; vùng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm... Nhiều mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả cao đã được hình thành như: Nuôi cá lồng trên hồ Đầm Thìn, nuôi cá Chép đỏ ở Thủy Trầm, nuôi tôm càng xanh ở các xã: Văn Khúc, Chương Xá...

Ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển thủy sản bền vững. Đặc biệt là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo nghề cho các hộ nuôi nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất. Nhiều mô hình khuyến ngư cho hiệu quả cao như: Nuôi lươn không bùn, cá Chạch, cá Trê đồng, cá Ngạnh... đã được triển khai và có tính nhân rộng.

Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường nguồn nước và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng được chú trọng. Chi cục Thủy sản và Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản đã chủ động hướng dẫn các hộ nuôi ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý môi trường ao nuôi tại các huyện, thành, thị; đồng thời, phối hợp với các cá nhân, tổ chức phát động thả giống phóng sinh tại các hồ, đầm tự nhiên như: Hồ Ngòi Giành, hồ Hàm Kỳ...

Với định hướng đúng và cách làm hiệu quả, việc nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rõ rệt; quy mô, năng suất, sản lượng tăng qua các năm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 46.700 tấn, tăng 3,9% so với năm 2023, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 42.100 tấn; sản lượng khai thác tự nhiên đạt 3.200 tấn. Mục tiêu phấn đấu năm 2025 tổng sản lượng thủy sản đạt 48.480 tấn, tăng 3,8% so với năm 2024; tổng số lồng nuôi là 1.300 lồng.

Đồng chí Nguyễn Thành Chung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản cho biết: “Để đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, Chi cục đã rà soát toàn bộ diện tích mặt nước ở từng vùng, từng địa phương để hướng dẫn người nuôi chuyển đổi, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc biệt là ở các hồ chứa nước lớn, các khu nuôi thủy sản tập trung; đồng thời khuyến khích người dân khai thác tiềm năng của các công trình thủy lợi lớn tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Thủy... để mở rộng diện tích, xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung. Bên cạnh đó Chi cục cũng tăng cường quản lý chất lượng giống, thức ăn và vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, quan tâm thực hiện quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nước và phòng trị một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh”.

Hà Nhung

Nguồn: https://baophutho.vn/khai-thac-loi-the-phat-trien-thuy-san-233258.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm