Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khẳng định thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của địa phương

Mô hình sản xuất khô cá các loại của Hợp tác xã nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Thanh Tiền bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thu nhập ổn định cho hộ thành viên.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh09/05/2025

Trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, các hợp tác xã (HTX) đã và đang chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trong hợp tác, tương trợ lẫn nhau để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vai trò hạt nhân trong kinh tế tập thể của HTX trên địa bàn đã được thể hiện rõ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa người dân; nhất là ở khu vực nông thôn, HTX đã hỗ trợ địa phương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, vật nuôi, cây trồng, giúp người dân trong vùng yên tâm sản xuất.

HTX nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Thanh Tiền (ấp Bình Thuận, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) được thành lập từ tháng 6.2024, hiện có 7 thành viên. Anh Trần Thanh Tiền- Giám đốc HTX cho biết, mô hình được thành lập nhằm phát triển nghề truyền thống của xã Phước Bình là làm khô cá lóc, khô cá trê cũng như các loại khô khác. Nguồn nguyên liệu chủ yếu do nông dân xã Phước Bình nuôi trồng, HTX thu mua để chế biến và tiêu thụ ra thị trường.

Anh Trần Thanh Tiền- Giám đốc HTX nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Thanh Tiền phơi cá khô.

Xuất thân là giáo viên, còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, ban đầu khi đến với nghề làm khô, anh Tiền gặp nhiều khó khăn như: khô không bảo quản được lâu, gia vị tẩm ướp chưa hợp khẩu vị của khách hàng, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, số lượng khô làm ra ít, chỉ vài chục ký mỗi tháng.

Qua nhiều lần thất bại, vợ chồng anh Tiền tự mày mò, nghiên cứu tìm ra công thức ướp khô để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm khô cá lóc, cá trê. Những mẻ khô làm ra, anh chị đều gửi cho bạn bè, người thân dùng thử. Từ sự phản hồi của mọi người, vợ chồng anh rút kinh nghiệm trong quy trình chế biến.

Sản phẩm khô cá lóc, cá trê chuẩn bị đóng gói.

Xác định cá khô là mặt hàng có nhiều sự cạnh tranh, trong quá trình chế biến, anh Tiền luôn chăm chút, tỉ mỉ từng công đoạn để bảo đảm chất lượng sản phẩm: cá làm khô phải bảo đảm tươi mới, sau khi làm sạch được tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 1-3 ngày, che phủ màng kín để chống bụi bẩn. Khi cá khô đã đủ nắng, anh đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không để bảo quản được lâu hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được cung cấp cho các mối sỉ tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

Theo anh Tiền, mô hình này rất khả quan, giúp nông dân nuôi cá có đầu ra và nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, HTX sẽ xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới là OCOP, đưa sản phẩm vào siêu thị và các kênh bán hàng khác, qua đó giúp sản phẩm truyền thống của địa phương ngày càng khẳng định thương hiệu.

Sau khi phơi đủ nắng, cá khô được đóng gói, hút chân không.

Ông Biện Việt Trung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình chia sẻ, HTX nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Thanh Tiền tuy mới thành lập nhưng hoạt động sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho bà con nông dân trên địa bàn xã, nhất là các hộ nuôi trồng khu vực ven sông Vàm Cỏ tại ấp Phước Giang.

Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX, nhằm củng cố để các HTX hoạt động đi vào chiều sâu gắn liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như: tư vấn lập phương án sản xuất kinh doanh; đào tạo nhân sự, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các HTX.

Ông Biện Việt Trung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình (áo trắng) tham quan mô hình sản xuất cá khô của HTX nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Thanh Tiền.

Để phát triển được nhiều HTX theo mô hình kiểu mới, UBND thị xã Trảng Bàng yêu cầu các xã, ngành không chạy theo số lượng mà phải bám sát vào chất lượng, hiệu quả thật sự của mô hình này. Các ngành, các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng thành viên về tính bền vững của mô hình HTX kiểu mới.

Các địa phương trên địa bàn thị xã Trảng Bàng tăng cường và củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và HTX; đa dạng hoá các loại hình tổ hợp tác, HTX để thu hút đông đảo người dân tham gia; từng bước hình thành các HTX mạnh làm nòng cốt cho các hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

Ngoài ra, thúc đẩy quá trình liên doanh, liên kết giữa HTX với nhau và với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tể để mở rộng phạm vi hoạt động, tăng sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hoàng Yến

Nguồn: https://baotayninh.vn/khang-dinh-thuong-hieu-cho-san-pham-truyen-thong-cua-dia-phuong-a189860.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm