Những “cô Tấm” trong rừng
Khi tiếng gà rừng gáy vang cũng là lúc những nhân viên đảm trách công tác dọn dẹp vệ sinh ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam bắt đầu thức dậy và chuẩn bị cho công việc của mình. Vệ sinh cá nhân xong, họ lấy chiếc máy cắt cỏ ra sân, đổ xăng, châm nhớt cho động cơ đầy đủ. Trên mỗi máy cắt cỏ đều có gắn cánh quạt khá to, dùng để thổi bay lá rừng thay cho việc dùng chổi tàu dừa quét theo kiểu truyền thống trước đây.
Những người phụ trách việc dọn vệ sinh ở các khu vực xa dẫn thêm chiếc xe gắn máy, đội thêm chiếc đèn pin trên đầu, khoác máy cắt cỏ lên vai rồi di chuyển về các khu di tích. Một vài người có nhiệm vụ dọn vệ sinh xung quanh trụ sở, bắt đầu khởi động máy cắt cỏ, họ dùng sức gió từ cánh quạt thổi sạch lá rừng trên mặt sân trụ sở cơ quan, trên đường giao thông nội bộ, lối đi trong rừng, những công trình phục dựng như hội trường, nhà bảo vệ, bếp Hoàng Cầm, nhà ở làm việc của các vị lãnh tụ nhiều di tích lịch sử, nhà bia tưởng niệm, khu vui chơi suối Cây Chò…
Những rác thải sinh hoạt của du khách vô tình bỏ lại như chai nước suối, khăn giấy, hộp xốp được nhân viên vệ sinh đi nhặt, bỏ vào thùng chứa rác, chờ tiêu huỷ. Sau khi hoàn thành việc dọn vệ sinh, những người đàn ông này bắt tay vào việc tưới bơm nước tưới cây kiểng, cỏ trồng trong khuôn viên các khu di tích. Thỉnh thoảng, họ cắt tỉa những cành cây kiểng loà xoà, nghiêng ngả ra lối đi, bảo đảm sạch đẹp, tinh tươm trước khi có khách đến tham quan.
Ông Đoàn Văn Nam, một trong ba người phụ trách dọn vệ sinh ở Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kể, nhà ông ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, trước đây ông kiếm sống bằng nghề khoan giếng và làm thuê tự do. Những năm gần đây, ông được Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam hợp đồng làm nhân viên quét dọn vệ sinh ở đây.
Theo quy định của cơ quan, công việc bắt đầu từ 7 giờ, nhưng ông và các đồng nghiệp chủ động thổi lá từ sáng sớm cho đỡ bị nắng và không gây tiếng ồn, bụi bặm, làm ảnh hưởng đến quá trình tham quan của du khách. Buổi chiều, khi vắng khách, đối với mùa mưa, ông và các đồng nghiệp bắt đầu công việc xử lý những đám cỏ dại, dọn dẹp những nhánh cây rơi rụng trong khu vực phụ trách. Vào mùa nắng nóng, buổi chiều ông dành cho việc đi tuần tra, bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Theo lời ông Nam, công việc không nặng nhọc nhưng cũng có phần nguy hiểm. Vì làm việc dưới tán rừng già nên bị nhánh cây bất ngờ rơi rụng xuống kế bên là chuyện thường gặp. Có lần máy cắt cỏ bị đứt dây, bật lên trúng cánh tay. Lần khác, cánh quạt máy cỏ rơi ra, cũng may không bị trúng vào người. “Chắc do mình được các bác ở đây che chở, nên không ai bị gì cả”, ông Nam nói vui. Ngoài việc có thu nhập ổn định, ông còn cảm thấy tự hào, vì đã góp phần công sức giữ gìn sạch đẹp Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trên quê hương của mình.
Ông Nguyễn Duy Hiền, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, hợp đồng lao động ở đây từ tháng 3.2016 đến nay. Hiện tại, ông và một đồng nghiệp khác phụ trách công tác dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa kiểng 7 di tích lịch sử của các ban, ngành khác trong Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ngoài công việc chung như bao đồng nghiệp khác, ngày nào có đoàn lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh hoặc các cơ quan, ban, ngành đến viếng, thắp hương các di tích, nhà bia tưởng niệm, trồng cây lưu niệm, ông và đồng nghiệp khác phải túc trực trước, trong và sau khi diễn ra hoạt động.
Trước khi đoàn khách đến, ông bơm nước rửa sạch di tích, dùng máy cắt cỏ thổi bay hết lá rừng một lần nữa, bảo đảm khi đoàn công tác đến nơi, tất cả khuôn viên, lối đi, nhà bia đều sạch bóng. Đồng thời, ông cùng với những người có liên quan chuẩn bị âm thanh, nhang đèn, bài trí hoa quả, cây giống, nước tưới. Sau khi đoàn lãnh đạo rời di tích, các nhân viên này chung tay thu dọn vật dụng và thường xuyên tưới nước, cho những cây lưu niệm vừa trồng luôn tươi tốt.
“Hằng ngày chỉ có hai anh em thui thủi làm việc cũng hơi buồn. Nhưng mỗi khi khách đến tham quan, không chê bai nơi này là chúng tôi thấy vui trong lòng”, ông Hiền tâm sự.
Góp phần giữ gìn sạch đẹp
Ông Trần Văn Thành, ngụ ấp Tân Khai (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) ngoài nhiệm vụ thổi lá, nhặt rác thải sinh hoạt, còn lau chùi bàn, ghế, giường, tủ trong các công trình phục chế ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Người đàn ông này chia sẻ: "Mùa khô, việc dọn vệ sinh ở đây dễ hơn, máy thổi đến đâu là lá rừng bay sạch đến đó. Mùa mưa lá rụng xuống bị ướt, dính xuống mặt đất, nên máy thổi không bay hết, vì vậy sau khi dùng máy thổi, anh em dùng chổi quét dọn thêm mới bảo đảm sạch được".
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, hàng ngàn người dân từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến tham quan Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trong đó có nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên. Được về nguồn, ôn lại truyền thống cách mạng, hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, em Phan Tuấn Vỹ, lớp 12A4, trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thị xã Hoà Thành không giấu được sự ngạc nhiên khi nhận thấy khu di tích lịch sử cách mạng giữa rừng già luôn được quét dọn vệ sinh: “Lần đầu tiên em đến tham quan Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Em thấy cảnh quan nơi đây rất đẹp. Mặc dù hằng ngày có rất nhiều lá cây rụng xuống, nhưng đều được các cô, chú quét dọn vệ sinh sạch sẽ”.
Ông Phạm An Chiến- Phó Giám đốc Ban quản lý Các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam cho biết, hiện nay, trong Căn cứ Trung ương Cục có 7 nhân viên phụ trách dọn dẹp vệ sinh. Công việc của anh em làm việc trong giờ hành chính, nhưng trong quá trình lao động nếu có khách đến tham quan, anh em phải tạm ngưng quét dọn, để không ảnh hưởng đến việc tham quan, thưởng lãm của du khách. “Nhờ anh em tích cực quét dọn, chăm sóc hoa kiểng, đã góp phần giữ môi trường khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này luôn sạch đẹp”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi tập trung các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, là nơi chỉ đạo, lãnh đạo các hoạt động cách mạng, quyết định nhiều chiến lược quan trọng. Đây là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, nơi các quyết định chiến lược về quân sự, chính trị, ngoại giao. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Tây Ninh. Suốt thời gian qua, địa phương luôn nỗ lực gìn giữ, tu bổ, phát huy giá trị di tích nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ chiến sĩ cách mạng từng sống và chiến đấu nơi đây.
Nhờ quan tậm, chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh, hàng chục năm qua, “thủ đô kháng chiến” của miền Nam luôn sạch sẽ, tinh tươm, thoả lòng du khách mỗi khi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử một thời hào hùng của dân tộc.
Đại Dương
Nguồn: https://baotayninh.vn/nhung-nguoi-am-tham-giu-gin-sach-dep-can-cu-trung-uong-cuc-mien-nam-a189855.html
Bình luận (0)