Di sản Tràng An là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sỹ.
Trải dài trên những khung cảnh hùng vĩ và nên thơ, Tràng An đã trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm âm nhạc. Không ít nhạc sỹ đã tìm về đây để cảm nhận hơi thở của thiên nhiên, nhịp đập của lịch sử, từ đó “thai nghén” những ca khúc mang đậm chất hồn quê đất Việt. Một trong những nghệ sỹ tiêu biểu gần đây phải kể đến là nữ nhạc sỹ, ca sỹ Thiều Thu Sa.
Sau thành công của nhạc phẩm “Ninh Bình như một khúc ca” được ra mắt vào năm 2020, nhạc sỹ, ca sỹ Thiều Thu Sa tiếp tục dành nhiều tình cảm cho mảnh đất, con người Ninh Bình. Đến nay, chị đã có thêm 5 ca khúc viết về mảnh đất Cố đô, trong đó nhiều nhạc phẩm đều lấy “chất liệu” từ Di sản Tràng An như Đắm say non nước Ninh Bình, Ngàn năm Bái Đính vọng về, Tràng An thương nhớ ai…
Nhạc sỹ, ca sỹ Thiều Thu Sa chia sẻ: Tràng An cho tôi nguồn cảm hứng đặc biệt. Tôi rất vui vì các nhạc phẩm của mình được người dân đón nhận hào hứng, trân trọng và quảng bá rộng rãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, ca khúc “Ninh Bình như một khúc ca” đến nay vẫn luôn được khán giả, người dân yêu thích.
Không chỉ có Thiều Thu Sa, nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ khác như Lê Minh Sơn, Phạm Khánh Băng, Quỳnh Anh, Tuấn Phương… cũng đã có nhiều sáng tác gắn liền với Tràng An hoặc lấy cảm hứng từ mảnh đất Cố đô. Những ca khúc này không chỉ làm phong phú thêm bức tranh âm nhạc Ninh Bình mà còn góp phần giới thiệu vẻ đẹp di sản đến bạn bè trong nước và quốc tế. Những ca khúc như Huyền thoại Tràng An, Cửa biển non tiên; Tràng An - Thương nhớ ai được phối khí công phu và biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội của tỉnh.
Đó không chỉ là lời ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của Tràng An mà còn gửi gắm niềm tự hào và tinh thần giữ gìn di sản cho muôn đời sau. Trong từng nốt nhạc, người nghe cảm nhận được âm vang của núi sông và cả lời thì thầm của lịch sử ngàn năm còn mãi. Đặc biệt, các ca khúc này được lớp nghệ sỹ trẻ thể hiện rất truyền cảm và thành công càng làm nhạc phẩm trở nên nổi tiếng. Có thể kể đến như ca sỹ Huyền Trang, Tùng Dương, Thu An, Kim Chi,…
Thu An, Á quân Sao Mai chia sẻ: Là người con đất Ninh Bình tôi luôn tự hào khi được thể hiện những bài hát về quê hương nhất là ca ngợi vẻ đẹp của Tràng An. Với phong cách dòng nhạc dân gian mà An theo đuổi, hi vọng sẽ làm cho khán giả cảm nhận được vẻ đẹp nhẹ nhàng, nên thơ, trữ tình của Ninh Bình qua từng giai điệu.
Ca sỹ Thu An biểu diễn tiết mục ca ngợi giá trị Di sản Tràng An trong chương trình Lễ hội Hoa Lư 2024. Ảnh NVCC.
Bên cạnh các MV riêng lẻ, nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn như Lễ hội Hoa Lư, Festival Ninh Bình, Tuần Du lịch Ninh Bình… cũng đã được tổ chức tại không gian thực cảnh của di sản Tràng An, mang đến những trải nghiệm vừa trực quan, vừa xúc cảm. Giữa khung cảnh trầm mặc của núi rừng Tràng An về đêm, sân khấu được dàn dựng tinh tế, kết hợp âm thanh, ánh sáng và trình diễn trực tiếp, tạo nên một không gian nghệ thuật huyền ảo.
Những chương trình như vậy không chỉ khẳng định giá trị của âm nhạc trong tôn vinh di sản, mà còn mở ra một hướng đi mới cho loại hình du lịch trải nghiệm nơi du khách không chỉ “xem” mà còn được “sống” trong văn hóa bản địa. Điều đó chứng tỏ xu hướng gắn kết âm nhạc với không gian văn hóa du lịch là một hướng đi đúng đắn, sáng tạo và giàu tiềm năng.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, âm nhạc như một “ngôn ngữ của cảm xúc”, có khả năng lan tỏa giá trị di sản mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả vai trò đó, cần có sự chung tay của nhiều lực lượng - từ nghệ sỹ, nhà tổ chức, chính quyền địa phương cho đến cộng đồng. Trước hết, việc đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc chất lượng, gắn với di sản như Tràng An cần được khuyến khích và hỗ trợ. Những chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên đề, album nhạc lấy cảm hứng từ di sản, hay các video âm nhạc quay tại Tràng An… cần được nhân rộng.
Công tác giáo dục, truyền thông cũng cần chú trọng lồng ghép yếu tố âm nhạc để khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm gìn giữ di sản. Khi mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, được tiếp cận với di sản qua âm nhạc, họ sẽ cảm thấy gần gũi, dễ nhớ, dễ yêu và từ đó tự nguyện trở thành người bảo vệ di sản.
Ngoài ra, các ngành, địa phương có thể tổ chức cuộc thi sáng tác, lễ hội âm nhạc gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Tràng An để thu hút sự quan tâm của nghệ sỹ và cộng đồng, từ đó xây dựng một “bản sắc Tràng An” riêng trong âm nhạc Việt.
Đặc biệt, hiện nay Ninh Bình đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa thì âm nhạc, biểu diễn chính là một trong những thế mạnh để Ninh Bình khai thác để hiện thực hóa mục tiêu này.
Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, khi âm nhạc thăng hoa cùng di sản, đó không chỉ là sự thăng hoa giữa nghệ thuật, văn hóa và du lịch, mà còn là sự đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa thiên nhiên và con người; để từ đó Tràng An mãi là bản trường ca bất tận, giáo dục con người về trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị di sản cho hôm nay và mai sau.
Minh Hải
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/khi-am-nhac-thang-hoa-cung-di-san-191217.htm
Bình luận (0)