Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi chim trĩ "bén duyên" đất cát ven biển

(QBĐT) - Chim trĩ được xác định là loài nuôi có tiềm năng kinh tế, nhanh thu, chất lượng thịt và trứng cao, phù hợp với yêu cầu thị trường. Đây là loài chim thích nghi tốt với việc được nuôi trong chuồng trại trên đất cát ven biển...

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình10/05/2025

 
Để đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Đồn Biên phòng Lý Hòa, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tận dụng vùng đất cát ven biển xã Đức Trạch (Bố Trạch) triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ lấy trứng ứng dụng công nghệ cao.
 
Thực tế, chăn nuôi trên địa bàn xã Đức Trạch còn manh mún, thiếu kỹ thuật, hiệu quả kinh tế thấp do bị các loại dịch bệnh xâm nhập thường xuyên. Chính quyền và người dân địa phương vẫn loay hoay trong việc tìm hướng đi mới trong chăn nuôi. Nuôi chim trĩ lấy trứng trên vùng đất cát xã Đức Trạch là mô hình mới mang tính đột phá, vừa khai thác tiềm năng đất cát và đa dạng hóa sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân khu vực ven biển.
Chăm sóc bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thịt và trứng chim trĩ đạt chất lượng cao.
Chăm sóc bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thịt và trứng chim trĩ đạt chất lượng cao.
Mô hình được triển khai trên diện tích 170m² chuồng trại (ngay trong khuôn viên Đồn BP) với quy mô 150 con chim trĩ giống 4 tháng tuổi (trong đó 140 con mái, 10 con trống). Qua quá trình chăm đàn cho thấy, chim trĩ thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và môi trường tự nhiên nơi đây, sinh trưởng ổn định, ít dịch bệnh.
 
Điểm mạnh thúc đẩy thành công mô hình là khả năng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, phổ biến, dễ kiếm tại địa phương, như: Thức ăn kết hợp giữa cám, thóc và các loại rau xanh (rau muống, rau lang, thân chuối băm nhỏ). Nhờ vậy, chi phí chăn nuôi giảm đáng kể, trong khi hiệu quả kinh tế thu được cao. Hiện, trứng chim trĩ có giá bán giao động từ 10.000-12.000 đồng/quả; với sản lượng ước tính khoảng 16.800 quả trứng mỗi năm, hứa hẹn đem lại nguồn thu ổn định nếu mô hình được nhân rộng.
 
Việc Đồn BP Lý Hòa đi đầu trong triển khai mô hình nuôi chim trĩ lấy trứng không chỉ thể hiện sự năng động trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, mà còn khẳng định vai trò đồng hành với người dân trong chuyển giao kỹ thuật, khai thác hiệu quả tiềm năng vùng cát ven biển. Mô hình phù hợp với xu hướng nông nghiệp sạch, ít tác động đến môi trường, chi phí thấp và nhân rộng đại trà rất phù hợp. Qua đó, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
 
Anh Phạm Xuân Ninh, Đồn BP Lý Hòa cho biết: “Từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, chúng tôi đã tiến hành theo dõi sát sao các chỉ số sinh trưởng, khả năng thích nghi của đàn chim trĩ. Qua thực tiễn khẳng định, giống chim được lựa chọn (chim trĩ đỏ) với sức thích nghi khá tốt trong điều kiện khí hậu và môi trường của vùng cát ven biển Quảng Bình. Với thiết kế chuồng trại phù hợp và chế độ chăm sóc đúng kỹ thuật, chim phát triển nhanh hơn, ít mắc bệnh, hoạt động linh hoạt và có dấu hiệu sinh sản ngày càng ổn định”.
Chim trĩ phù hợp nuôi quy mô chuồng trại.
Chim trĩ phù hợp nuôi quy mô chuồng trại.
Về khó khăn, ban đầu người nuôi có thể gặp trở ngại trong khâu xử lý nền chuồng trên cát nhằm bảo đảm thoát nước và tránh ẩm thấp vào mùa mưa. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng lớp lót sinh học kết hợp rải lớp đệm lót bằng mùn cưa và trấu sẽ cải thiện được môi trường sống cho chim, đồng thời giữ gìn vệ sinh và phòng dịch hiệu quả. Đây là một kinh nghiệm quý nếu mô hình được nhân rộng ra các khu vực tương tự. Với diện tích đất cát dồi dào nhưng trước nay ít được khai thác hiệu quả, việc chuyển đổi mục đích sử dụng sang phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ là một hướng đi hoàn toàn phù hợp, bền vững và mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Chim trĩ loài chim thuộc họ gà, dễ nuôi, có khả năng thích nghi cao với nhiều điều kiện môi trường, đặc biệt phù hợp với khí hậu và địa hình cát trắng của vùng biển Quảng Bình. Thịt và trứng chim trĩ không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn được thị trường ưa chuộng với giá bán cao hơn hẳn các loại gia cầm truyền thống. Theo đông y, trứng chim trĩ có công dụng bổ ngũ tạng, ích khí, rất tốt cho người cần phục hồi sức khỏe.
Hiện nay, chim trĩ là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng cả về thịt và trứng. Nếu được đầu tư đúng mức, đặc biệt trong khâu con giống và quy trình chăm sóc, mô hình sẽ tạo thêm việc làm tại chỗ, góp phần ổn định đời sống và an sinh xã hội cho vùng nông thôn ven biển.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Thanh Nam, với kết quả bước đầu khả quan, mô hình nuôi chim trĩ lấy trứng tại Đồn BP Lý Hòa được kỳ vọng sẽ trở thành điểm mẫu để có thể nhân rộng ra ở xã Đức Trạch và huyện Bố Trạch. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra hướng đi mới trong đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tận dụng hiệu quả tiềm năng đất cát ven biển. Nếu được hỗ trợ đúng mức về kỹ thuật, thị trường và xây dựng thương hiệu, trứng chim trĩ có thể phát triển thành đặc sản mang bản sắc địa phương, kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp. Đây hứa hẹn sẽ là hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu chuyển đổi sinh kế tại địa phương. Việc triển khai mô hình tại Đồn BP Lý Hòa cũng có ý nghĩa chiến lược trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển, đảo, tạo điểm nhấn cho chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Hương Trà

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202505/khi-chim-tri-ben-duyen-dat-cat-ven-bien-2226184/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm