Khi nhiên liệu hydro cạn kiệt, lõi Mặt trời sẽ sụp đổ, trong khi lớp vỏ ngoài phồng to và nguội dần. Lúc đó Mặt trời sẽ biến thành một sao khổng lồ đỏ, rồi lạnh dần và tắt hẳn - Ảnh minh họa AI
Hệ Mặt trời của chúng ta ra đời cách đây khoảng 4,6 tỉ năm, một khoảng thời gian rất dài trong lịch sử nhân loại, nhưng chỉ là "chớp mắt" trong vũ trụ 13,8 tỉ năm tuổi. Dù vẫn còn tiếp tục tồn tại hàng tỉ năm nữa, hệ Mặt trời cuối cùng cũng sẽ đi đến hồi kết.
Câu hỏi đặt ra là khi nào Hệ Mặt trời "chết"? Và cái chết đó diễn ra như thế nào?
Sự sống còn phụ thuộc vào định nghĩa "cái chết"
Câu trả lời không hề đơn giản, bởi còn tùy vào cách chúng ta định nghĩa "cái chết" của một hệ hành tinh. Với nhiều nhà khoa học, Hệ Mặt trời thực chất sẽ không hoàn toàn biến mất, mà dần dần rơi vào trạng thái hỗn loạn, lạnh lẽo và không còn khả năng duy trì sự sống.
Hiện nay Hệ Mặt trời bao gồm 8 hành tinh chính, hàng trăm mặt trăng, hàng tỉ tiểu hành tinh, sao chổi và thiên thạch.
Biên giới của Hệ Mặt trời vẫn còn là chủ đề tranh cãi, nhưng thường được xác định bởi ba khu vực chính: Vành đai Kuiper (vùng băng giá ngoài sao Hải Vương), rìa nhật quyển (heliopause) nơi gió Mặt trời kết thúc, và đám mây Oort là một vùng lý thuyết chứa các vật thể băng xa xôi hơn cả vành đai Kuiper.
Tất cả các thành phần này được giữ lại bởi lực hấp dẫn khổng lồ của Mặt trời, "ngọn đèn sống" của cả hệ.
Hiện tại Mặt trời phát sáng nhờ quá trình nhiệt hạch, biến hydro thành heli ở lõi của nó. Theo giáo sư Fred Adams, nhà vật lý thiên văn lý thuyết tại Đại học Michigan (Mỹ), quá trình này sẽ kéo dài thêm khoảng 5 tỉ năm nữa.
Khi nhiên liệu hydro cạn kiệt, lõi Mặt trời sẽ sụp đổ, trong khi lớp vỏ ngoài phồng to và nguội dần. Lúc đó Mặt trời sẽ biến thành một sao khổng lồ đỏ (red giant), đủ lớn để nuốt chửng sao Thủy và sao Kim. Trái đất có thể nằm ngay rìa "bụng" của sao khổng lồ đỏ này, nhưng nhiều khả năng cũng sẽ bị cuốn vào.
Dù vậy theo giáo sư Adams, loài người lúc ấy có thể đã không còn tồn tại hoặc đã di cư khỏi Hệ Mặt trời từ lâu.
Sau lần phát sáng cuối cùng là cái lạnh kéo dài như vô tận
Khoảng 1 tỉ năm sau khi trở thành sao khổng lồ đỏ, Mặt trời sẽ co lại chỉ bằng kích thước Trái đất và trở thành sao lùn trắng (white dwarf), một lõi đặc, lạnh và mờ nhạt.
Kể từ thời điểm đó, Hệ Mặt trời sẽ không còn khả năng duy trì sự sống như chúng ta biết. "Xét từ góc độ khả năng sinh sống, đó chính là dấu chấm hết cho Hệ Mặt trời", Alan Stern, nhà khoa học hành tinh và trưởng dự án New Horizons của NASA, nhận định với Live Science.
Tuy nhiên cái chết của Mặt trời không đồng nghĩa với sự kết thúc hoàn toàn của hệ hành tinh. Theo ông Stern, ngay cả khi Mặt trời chỉ còn là "than tàn", các hành tinh khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ vẫn có thể tiếp tục quay quanh nó.
Hỗn loạn và tan rã: số phận cuối cùng của Hệ Mặt trời
Càng về sau, khi lực hấp dẫn từ Mặt trời yếu dần, sự cân bằng trong hệ hành tinh sẽ bị phá vỡ. Các tương tác hấp dẫn giữa các hành tinh sẽ khiến quỹ đạo trở nên bất ổn, có thể dẫn đến va chạm hoặc "đuổi nhau" ra khỏi hệ.
Giáo sư Adams cho rằng khi thời gian trôi qua đến mức vũ trụ già gấp hàng tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ lần hiện tại, những sự kiện hiếm gặp như sao băng, sao lạ ghé thăm hay vụ nổ siêu tân tinh gần đó có thể phá tan cấu trúc còn lại của Hệ Mặt trời.
Ngay cả khi không bị phá hủy bởi va chạm, thì sự phân rã của vật chất cũng là dấu chấm hết. Một số nhà vật lý dự đoán rằng các proton, đơn vị cấu thành vật chất có thể sẽ phân rã trong tương lai cực xa, mặc dù hiện tượng này chưa từng được quan sát. Nếu điều đó xảy ra, không chỉ Hệ Mặt trời, mà toàn bộ vật chất trong vũ trụ cũng sẽ dần tan rã.
Như vậy Hệ Mặt trời của chúng ta vẫn còn sống hàng tỉ năm nữa, nhưng một ngày nào đó, nó sẽ không còn như hiện tại: không ánh sáng, không sự sống, chỉ còn những khối băng, đá và tro tàn quay chậm chạp quanh một tàn dư lặng lẽ. Đó sẽ là cái chết lặng lẽ nhưng không thể tránh khỏi trong bản giao hưởng vĩnh hằng của vũ trụ.
MINH HẢI
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-nao-he-mat-troi-chet-va-chet-the-nao-20250720220430931.htm
Bình luận (0)