Anh Đoàn Nhất Phương điều khiển drone phun thuốc diệt ốc bưu vàng để nông dân chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè Thu 2025 tại cánh đồng thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức. |
Đầu tư tiền tỷ sắm drone
Sau khi trở về Long Đất, với vốn kiến thức tích lũy trong quá trình học tập và sự nhạy bén trước xu hướng hiện đại hóa nông nghiệp, cuối năm 2021, chàng kỹ sư trẻ Đoàn Nhất Phương đã mạnh dạn đầu tư 3 máy bay không người lái (loại có công suất phun 10-20 lít/máy) để cung cấp dịch vụ phun thuốc trừ sâu cho nông dân.
Thời điểm đó, thiết bị này còn khá xa lạ với bà con địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn vận hành, các drone đã cho hiệu quả rõ rệt về năng suất và chi phí, giúp anh Phương chiếm được niềm tin của nông dân. Từ đó, trong vụ Đông Xuân 2021-2022, dịch vụ bay phun thuốc của Phương “bao thầu” 500ha lúa của bà con nông dân. Ngoài phun thuốc, nước, thiết bị còn có thể gieo sạ.
Theo anh Phương, khi phun thuốc, kỹ thuật viên chỉ cần đứng trên bờ ruộng điều khiển drone đến ruộng lúa, ấn nút là tự động phun. Tốc độ phun của máy rất cao, trung bình khoảng 30 phút/1ha. Lượng thuốc phun đều, mịn giúp thấm sâu vào hầu cây lúa.
Các drone còn tích hợp chức năng thu thập dữ liệu thông qua hệ thống camera ghi hình từ trên cao. Dựa vào hình ảnh phân tích, những vùng có màu xanh đậm cho thấy cây trồng phát triển tốt; ngược lại, vùng có màu xanh nhạt là dấu hiệu cây thiếu diệp lục, có khả năng mắc bệnh. Từ các dữ liệu này, đội bay của anh Phương có thể hỗ trợ nông dân nhận diện sớm và khoanh vùng khu vực cây bệnh để xử lý kịp thời.
Nhờ những tiện ích đó, dịch vụ drone của anh Phương ngày càng được nhiều nông dân tin tưởng sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hiệp, ở ấp Đồng Trung, xã Tam An, canh tác 1ha lúa với 3 vụ mỗi năm, cho biết đã 2 năm nay ông thuê dịch vụ drone phun thuốc cho đồng ruộng. “Từ ngày có drone, nông dân không phải mang từng bình thuốc bảo vệ thực vật lội trực tiếp vào tận ruộng để phun. Đặc biệt, drone phun thuốc giúp giảm 90% lượng nước và 30% thuốc bảo vệ thực vật. Những lợi ích này không chỉ giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu chi phí, mà điều quan trọng nhất là bảo vệ được sức khỏe nông dân”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều nông dân, chi phí thuê drone cũng thấp hơn nhiều so với thuê lao động. Trung bình mỗi lần drone phun thuốc, chi phí khoảng 300 ngàn đồng/ha, trong khi thuê lao động thủ công có thể lên tới gần 600 ngàn đồng/ha. Điều này giúp giảm áp lực nhân công cho nông thôn trong bối cảnh lao động trẻ và trung niên ngày càng khan hiếm, giá công lao động ngày càng cao.
Luôn coi trọng an toàn bay
Hiện nay, theo quy định của Cục Tác chiến-Bộ Tổng tham mưu và các văn bản liên quan, mọi hoạt động bay dân sự bằng thiết bị không người lái, trong đó có drone sử dụng trong nông nghiệp, đều phải được cấp phép. Người điều khiển thiết bị cũng cần đảm bảo năng lực, tuân thủ các yêu cầu về khu vực bay, độ cao cho phép và đảm bảo an toàn hàng không. Anh Đoàn Nhất Phương cho biết, các đội bay của mình đều được tập huấn kỹ năng vận hành, cập nhật quy định an toàn bay và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của cơ quan chức năng.
|
Mở rộng mô hình
Giữa năm 2024, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, anh Phương đã vận động những hội viên cùng chí hướng và mong muốn phát triển dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao tham gia thành lập Tổ hợp tác dịch vụ bay nông nghiệp, với hơn 20 thành viên tham gia. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại-Kỹ thuật SunBright do anh khởi xướng đang sở hữu 6 thiết bị bay (gồm 2 máy T25, 2 máy T40 và 2 máy T50 loại 50 lít), với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng.
Để hoạt động hiệu quả, anh Phương lập 6 đội bay (2 người/đội). Các đội thực hiện nhiệm vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ hay bón phân khi nông dân trong tỉnh có nhu cầu. Với 6 đội bay, mỗi thành viên sẽ phụ trách công việc khác nhau từ vận hành, điều khiển thiết bị, sạc pin, pha thuốc. Đội bay đi vào hoạt động hiệu quả đã tạo được sự tin tưởng từ nông dân địa phương. Thu nhập của các thành viên trong Tổ hợp tác từ 7-9 triệu đồng/tháng và thu nhập tăng cao hơn khi vào cao điểm đầu mùa vụ.
Chia sẻ dự định sắp tới, anh Phương cho biết sẽ mở rộng mô hình, thành lập HTX trong năm 2025; mở rộng vùng hoạt động khoảng 1.000ha diện tích cây ăn trái khu vực Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) và vùng trồng lúa của tỉnh Bình Thuận; cung cấp vật tư nông nghiệp, thiết bị bay không người lái… để tạo thêm việc làm cho thanh niên địa phương.
Theo ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Đất, mô hình tiên tiến của anh Phương không chỉ giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương mà còn giúp nông dân sử dụng lượng thuốc, phân bón chính xác, hạn chế lãng phí, tiết kiệm được chi phí đầu vào. Nhờ khả năng phun thuốc nhanh chóng, kịp thời, máy bay phun thuốc nông nghiệp giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, hạn chế tổn thất mùa màng, tiết kiệm chi phí cho việc phòng trừ sâu bệnh và đây sẽ là hướng đi tốt trong thời gian tới.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/khoi-nghiep-tren-dong-ruong-voi-drone-1043264/
Bình luận (0)