Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khơi thông nguồn lực, rốt ráo đưa vốn vào nền kinh tế

Không chỉ đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư nói chung cũng được đẩy mạnh. Mục tiêu là khơi thông nguồn lực, đưa nhanh vốn vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai12/05/2025

a-t4.jpg
Giờ đã là thời điểm để các địa phương phải quyết liệt, rốt ráo hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Điểm danh đơn vị chậm trễ

Giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đã có dấu hiệu tích cực hơn, khi ước thanh toán đến ngày 30/4/2025 là 128.500 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này, nếu so về số tuyệt đối, thì cao hơn cùng kỳ năm 2024 (110.500 tỷ đồng), nhưng so về tỷ lệ tương đối thì vẫn thấp hơn (cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ giải ngân đạt 16,64%).

“So với 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân tháng 4 nhìn chung đã được cải thiện”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Đúng là so với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bên cạnh 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân tích cực, thì vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí rất thấp.

Trong nhóm các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, có thể “điểm danh” các bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, rồi Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM… Trong khi đó, nhóm 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% có thể kể đến Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai…

Không chỉ là giải ngân chậm, mà theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 4/2025, vẫn còn 8.300 tỷ đồng của 17 bộ, ngành và 21 địa phương chưa được phân bổ chi tiết. Đây là thời điểm đã được “gia hạn”, còn nếu tính đến ngày 15/3 (thời điểm mà theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn tất việc phân bổ chi tiết, nếu không, sẽ phải chịu trách nhiệm và bị điều chuyển vốn), thì có tới 19 bộ, ngành và 31 địa phương chưa phân bổ hết vốn, với tổng vốn chưa phân bổ lên tới hơn 52.000 tỷ đồng.

Cấp tập trong nửa cuối tháng 3/2025, hơn 43.834 tỷ đồng đã được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân bổ. Đáng mừng là, trong các dự án được phân bổ trong đợt này, nhiều dự án có tính chất quan trọng, như Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước; Dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua TP.HCM thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (1.368 tỷ đồng); Dự án Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2); Dự án Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2)…

Đây đều là các dự án đã đủ điều kiện giải ngân, nên việc bổ sung vốn kịp thời sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung.

Lý giải về chuyện vốn chậm phân bổ, Bộ Tài chính cho rằng, có nguyên nhân từ khách quan, do các dự án phải rà soát lại sự cần thiết, điều chỉnh chủ trương đầu tư do ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, do vốn ngân sách địa phương chưa phân bổ được vì phụ thuộc vào nguồn thu sử dụng đất, xổ số của địa phương..., nhưng nguyên nhân chính nằm ở yếu tố chủ quan. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa quyết liệt trong chỉ đạo của các bộ, cơ quan, địa phương, dẫn đến vẫn còn nhiều dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện phân bổ vốn.

Rốt ráo đưa vốn vào nền kinh tế

Dù vẫn còn 9 tháng nữa để nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả tháng 1/2026, do thời điểm kết thúc niên hạn ngân sách 2025 là ngày 31/1/2026), nhưng có lẽ, giờ đã là thời điểm để các địa phương phải quyết liệt, rốt ráo hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng ngân sách dành cho đầu tư công năm nay được Quốc hội duyệt là trên 829.365 tỷ đồng. Nhưng sau 4 tháng, số vốn được giải ngân mới là 128.500 tỷ đồng, tức là vẫn còn trên 700.865 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân. Năm nay, để thúc đẩy tăng trưởng GDP trên 8%, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm. Do vậy, nhiệm vụ là rất nặng nề.

Khi phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch; đồng thời, xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương đến 15/3 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến ngày 15/3/2025.

Biện pháp “mạnh tay” này được kỳ vọng sẽ “thúc” các bộ, ngành, địa phương tích cực hơn trong phân bổ chi tiết nốt số vốn còn lại, cũng như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thông tin cho biết, Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan đang tập trung đẩy mạnh thi công các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án liên vùng, phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay. Tương tự, các tuyến vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM cũng đang được rốt ráo triển khai...

Khi các dự án trọng điểm đó được đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn. Cùng với “thúc” tiến độ các dự án trọng điểm, các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đang tiếp tục đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ít ngày trước đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương thuộc trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 2.

Tính đến cuối tháng 4/2025, thì tỷ lệ giải ngân thực tế của các bộ, ngành, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 mới đạt 15,41% kế hoạch được Thủ tướng giao, thấp hơn mức ước giải ngân trung bình của cả nước. Trong số này có TP. Hà Nội - địa bàn được giao số vốn đầu tư lớn, tỷ lệ giải ngân mới đạt 14,5%.

Do vậy, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà rất sốt ruột và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ, chậm giải ngân thẳng thắn báo cáo, làm rõ nguyên nhân, do chủ quan hay khách quan. Những đơn vị triển khai chậm không có lý do xác đáng, sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các vấn đề đã được chỉ đạo nhiều lần, để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Trong khi đó, công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư tồn đọng kéo dài vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Hôm khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án, với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

Theo baodautu.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/khoi-thong-nguon-luc-rot-rao-dua-von-vao-nen-kinh-te-post401651.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm