Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước: Nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại

(ĐN) - Hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Bình Phước (cũ), nay là Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước, thuộc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tuyên truyền. Đến nay, không gian trưng bày đang lưu trữ trên 500 hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của địa phương và quốc gia.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai18/07/2025

Qua hơn 2 tuần sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bình Phước thành tỉnh Đồng Nai mới, lượng khách đến tham quan Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước, thuộc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, tại đường Hồ Xuân Hương, phường Bình Phước, cũng như các di tích trên địa bàn do đơn vị quản lý vẫn tăng ổn định…

Nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử

Hiện vật trưng bày tại Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước đều mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bình Phước (cũ). Ngoài ra, các hiện vật còn thể hiện giá trị văn hóa, khoa học, khảo cổ của cộng đồng dân tộc Bình Phước.

Du khách đến tham quan được cán bộ khu trưng bày hướng dẫn, thuyết trình tận tình. Ảnh: Đoàn Hùng
Du khách đến tham quan được cán bộ khu trưng bày hướng dẫn, thuyết trình tận tình. Ảnh: Đoàn Hùng
Khách tham quan được giới thiệu nhiều hiện vật ý nghĩa trưng bày tại không gian văn hóa. Ảnh: Đoàn Hùng
Khách tham quan được giới thiệu nhiều hiện vật ý nghĩa trưng bày tại không gian văn hóa. Ảnh: Đoàn Hùng

Trong không gian trưng bày khảo cổ học nổi bật, du khách sẽ được chứng kiến hàng loạt hiện vật quý giá như: trống đồng, đàn đá, rìu đá, bàn mài, trang sức, mảnh gốm... các di tích quan trọng như: hệ thống Thành đất hình tròn, di chỉ Bãi Tiên... Đáng chú ý là những hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và biên giới Tây Nam của người Bình Phước (cũ). Mỗi hiện vật đều được gắn mã QR, giúp người dân và du khách dễ dàng tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và lịch sử.

Một số hiện vật thời kỳ chiến tranh được trưng bày. Ảnh: Đoàn Hùng
Một số hiện vật thời kỳ chiến tranh được trưng bày. Ảnh: Đoàn Hùng

Một trong điểm nhấn ấn tượng thu hút người dân khi đến tham quan là bộ đàn đá Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũ), được phát hiện vào tháng 10-1996. Bộ đàn đá này được trưng bày trang trọng trên kệ gỗ với tủ kính bảo vệ.

Bộ đàn đá Lộc Hòa - Bảo vật Quốc gia được trưng bày trang trọng tại không gian văn hóa. Ảnh: Đoàn Hùng
Bộ đàn đá Lộc Hòa - Bảo vật Quốc gia được trưng bày trang trọng tại không gian văn hóa. Ảnh: Đoàn Hùng

Bên cạnh đàn đá, dấu ấn thời tiền sử ở Bình Phước còn được thể hiện rõ qua các trống đồng tiêu biểu của văn hóa Bình Phước như: Lộc Tấn, Thọ Sơn, Long Hưng… Hệ thống Thành đất đắp hình tròn cũng là một điểm thu hút sự chú ý của du khách. Tỉnh Bình Phước (cũ) đã tìm thấy hơn 70 thành đất loại này, phân bố tại nhiều địa bàn. Trong không gian trưng bày khảo cổ học, hệ thống di tích này được tái hiện công phu, chi tiết bằng các hình ảnh, hiện vật và tài liệu phong phú, đa dạng.

Ấn tượng của du khách khi đến tham quan

Đến tham quan tại Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước, nhiều du khách không khỏi bất ngờ về các phòng trưng bày với nhiều cổ vật quý.

Chị Lê Thị Thành ngụ phường Bình Phước bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt với không gian trưng bày những hiện vật nơi đây. “Vào tham quan, tôi đặc biệt thích thú với không gian trưng bày khảo cổ học. Trong đó, tôi ấn tượng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào S’tiêng, đặc biệt là trang phục thổ cẩm được dệt bằng tay tỉ mỉ với nhiều họa tiết bắt mắt” - chị Thành chia sẻ.

Em Phạm Phước Thịnh, học sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Tân Xuân, phường Bình Phước cho biết: “Khi xem những kỷ vật về chiến tranh như: súng, đạn, hình ảnh chú bộ đội với chiếc xe đạp thồ, máy bay…, em cảm thấy biết ơn các chú bộ đội và yêu quê hương đất nước hơn”.

Không gian văn hóa thu hút nhiều du khách, nhất là các em học sinh tham quan. Ảnh: Đoàn Hùng
Không gian văn hóa thu hút nhiều du khách, nhất là các em học sinh tham quan. Ảnh: Đoàn Hùng

Chị Tô Thị Huê, Phó trưởng Phòng Quản lý và khai thác di tích Bảo tàng Đồng Nai, cho biết không gian trưng bày luôn tiếp đón lượng khách rất đông đến tham quan, đặc biệt vào các dịp lễ, tết… Đối tượng đến tham quan rất đa dạng, từ học sinh mầm non đến cấp trung học phổ thông. Ngày cao điểm, nơi đây đón hơn 1 ngàn lượt khách. 

“Trong tháng 7 là tháng tri ân anh hùng liệt sĩ, lượng khách đến dâng hương, tham quan tìm hiểu, học tập tại các di tích tăng vọt so với cùng kỳ của năm trước” - chị Huê cho biết thêm.

Bảo tàng tỉnh Đồng Nai thông báo, các phòng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, địa chỉ số 1, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Triều; các phòng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước (cũ), địa chỉ đường Hồ Xuân Hương, phường Bình Phước; Không gian văn hóa 3D Bình Phước, tại đường link: https://baotang3d.binhphuoc.gov.vn; cùng các di tích trên địa bàn thời gian đón khách từ 7h30 đến 11h30 và từ 13h30 đến 16h30 vào tất cả các ngày trong tuần.

Đoàn Hùng 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202507/khong-gian-trung-bay-van-hoa-binh-phuoc-noi-ket-noi-giua-qua-khu-va-hien-tai-a0a02e4/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm