Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Không thể có luật tốt nếu dự thảo được soạn ra từ bàn giấy'

Xây dựng chính sách ngay từ khâu đề xuất, từ thực tiễn, từ hơi thở cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Không thể có luật tốt nếu dự thảo được soạn ra từ bàn giấy, thiếu đi sự tham gia thực chất của các bên.

VietNamNetVietNamNet15/05/2025

Tổng Bí thư mới có bài viết quan trọng với tiêu đề “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng trao đổi với VietNamNet về vấn đề này.

Thể chế là “luật chơi”, cán bộ là người tổ chức và thực thi “cuộc chơi”

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có bài viết "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình". Là đại biểu Quốc hội kỳ cựu, ông thấy điều này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang đứng trước yêu cầu bứt phá phát triển?

Việc Tổng Bí thư có bài viết quan trọng “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là một sự kiện rất đặc biệt và có ý nghĩa sâu sắc. Đây không chỉ là sự đồng thuận mang tính chiến lược cao của Đảng về vai trò then chốt của thể chế và pháp luật mà còn thể hiện quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Điều này thể hiện tư duy nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong việc coi thể chế là nền tảng, pháp luật là công cụ để tổ chức thực thi hiệu quả đường lối, chính sách.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Phải coi pháp luật là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải là hệ thống các rào cản kiểm soát. Ảnh: Hoàng Hà

Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước yêu cầu bứt phá để không bị tụt lại phía sau, việc đồng thời có sự định hướng từ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư là một tín hiệu rõ ràng rằng Đảng đang chủ động tạo xung lực mới, tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo hành lang pháp lý đủ độ mở, đủ độ tin cậy để tạo niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức công hiến, phục vụ đưa đất nước phát triển.

Bài viết và nghị quyết đều cho thấy sự nhìn nhận sâu sắc rằng muốn khơi thông các nguồn lực, nhất thiết phải bắt đầu từ thể chế và pháp luật. Đây là điều mà nhân dân, doanh nghiệp, giới trí thức, cán bộ công chức và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang rất mong mỏi.

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Theo ông, những hạn chế về thể chế nào cần làm ngay và làm như thế nào?

Khi Tổng Bí thư nhấn mạnh “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đó là sự khái quát rất sâu sắc, phản ánh thực tiễn gần 40 năm đổi mới. Chúng ta đã có nhiều chủ trương đúng, nhưng thể chế hóa và thực thi chưa đồng bộ, còn lúng túng, thiếu nhất quán, dẫn tới chậm giải phóng các nguồn lực phát triển.

Có thể nói rằng, thể chế là “luật chơi”, còn cán bộ là người tổ chức và thực thi “cuộc chơi” đó. Nếu luật chơi không rõ ràng, thiếu minh bạch, thiếu ổn định thì dù có cán bộ giỏi, tâm huyết cũng khó triển khai hiệu quả.

Ngược lại, nếu cán bộ yếu kém, thiếu năng lực, không dám chịu trách nhiệm thì dù thể chế có tiến bộ cũng khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, muốn đổi mới và phát triển bền vững trong thời kỳ mới, chúng ta cần xây dựng thể chế minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao, đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Theo tôi, một số điểm nghẽn thể chế nổi bật hiện nay có thể kể đến là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn thiếu rõ ràng, chưa phân định đầy đủ vai trò của Nhà nước với thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính hoặc cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực.

Bên cạnh đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, ví dụ rõ nét trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường khiến nhà đầu tư mất nhiều thời gian, chi phí tuân thủ cao.

Cơ chế phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh, trách nhiệm không rõ ràng, làm chậm quá trình quyết định và triển khai.

Cách làm ở đây không thể chỉ dừng ở việc sửa luật mà phải là đổi mới tư duy lập pháp. Phải coi pháp luật là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải là hệ thống các rào cản kiểm soát.

Ngoài ra cũng cần tăng cường vai trò thẩm định chính sách, đánh giá tác động của pháp luật trước và sau ban hành; vận dụng mạnh mẽ cơ chế sandbox, thí điểm có kiểm soát để tạo không gian chính sách mới.

Cần có “cặp thể chế - con người” phù hợp

Một thể chế tốt, đội ngũ cán bộ có năng lực và sự phát triển bền vững của đất nước có mối quan hệ như thế nào, thưa ông?

Thể chế là nền tảng, cán bộ là người tổ chức thực hiện, còn phát triển bền vững là mục tiêu cuối cùng. Ba yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ và không thể tách rời.

Một thể chế tốt sẽ tạo ra môi trường minh bạch, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi xanh - điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Nhưng nếu không có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ bản lĩnh và đạo đức công vụ thì thể chế tốt đến đâu cũng không thể đi vào cuộc sống.

Thể chế tốt sẽ tạo ra môi trường minh bạch, công bằng. Ảnh: Thạch Thảo

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 hồi đầu năm, tôi đã phát biểu ngoài điểm nghẽn về thể chế, còn có điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Đó là yếu tố con người, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ.

Vì thế, nếu thể chế còn nhiều rào cản, không minh bạch, thì cán bộ dù có tâm huyết cũng khó làm tốt vai trò của mình.

Chúng ta đã có những bài học thực tiễn, như chương trình mục tiêu quốc gia hay các chính sách hỗ trợ phục hồi sau Covid-19 đều cho thấy không đi vào cuộc sống, các chính sách ban hành kèm theo nguồn lực nhưng giải ngân rất chậm, thậm chí có một số nơi không giải ngân được, chỉ nơi nào có cán bộ dám làm, biết làm, hiểu rõ luật, bám sát thực tiễn thì chính sách phát huy hiệu quả.

Do đó, đổi mới thể chế và xây dựng đội ngũ cán bộ phải đi đôi, thậm chí cần có “cặp thể chế - con người” phù hợp cho từng lĩnh vực, địa phương để tạo động lực phát triển bền vững.

Pháp luật không đi sau thực tiễn mà song hành và dẫn dắt thực tiễn phát triển

Là đại biểu Quốc hội 3 khóa, ông có hiến kế gì để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" hiện nay và theo ông, quá trình xây dựng, thông qua luật cần đổi mới như thế nào? 

Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp: tăng cường đối thoại, tham vấn chính sách, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm sâu sát với các chuyên gia và người dân. Tuy nhiên, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng luật cần “vào được cuộc sống”. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách ngay từ khâu đề xuất, tức là từ thực tiễn, từ hơi thở cuộc sống của người dân, từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Không thể có luật tốt nếu dự thảo được soạn ra từ bàn giấy, thiếu đi sự tham gia thực chất của các bên liên quan.

Thứ hai, đổi mới quy trình lập pháp theo hướng linh hoạt hơn, có cơ chế rà soát, sửa đổi nhanh các quy định không phù hợp thực tiễn. Ví dụ, có thể quy định “khoảng pháp lý” đủ rộng để Chính phủ linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nhất là trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, AI, kinh tế tuần hoàn, thủ tục đầu tư…

Thứ ba, tăng cường năng lực phản biện chính sách và giám sát thực thi. Quốc hội cần chủ động theo dõi việc thi hành luật, có cơ chế đánh giá tác động sau khi ban hành và kiến nghị điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn.

Một điểm nhấn trong bài viết của Tổng Bí thư là tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng”. Theo ông, tư duy này có thể áp dụng như thế nào trong quá trình lập pháp, điều hành chính sách hiện nay?

Tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng” mà Tổng Bí thư đề cập là một cách nói hình tượng nhưng rất thực tế và hiện đại. Trong bối cảnh chuyển đổi nhanh, nếu chờ đủ mọi điều kiện mới làm thì sẽ bị lỡ thời cơ. Ngược lại, nếu chỉ làm mà không kiểm soát thì sẽ dẫn đến rủi ro.

Vì vậy, “vừa chạy vừa xếp hàng” chính là một cách để vừa hành động, vừa điều chỉnh, tức là kết hợp giữa hành động nhanh và quản trị linh hoạt.

Ảnh: Hoàng Hà

Trong lập pháp, tư duy này có thể được thể hiện qua việc thí điểm có kiểm soát - cơ chế sandbox như trong lĩnh vực fintech, y tế số, trí tuệ nhân tạo, giáo dục trực tuyến… Đây là cách để pháp luật không trở thành rào cản mà trở thành bệ đỡ cho đổi mới sáng tạo.

Trong điều hành chính sách, tư duy này đòi hỏi nhà quản lý phải theo sát thực tiễn, sẵn sàng điều chỉnh chính sách trên cơ sở dữ liệu, phản ánh thực tế. Một ví dụ điển hình là cách Chính phủ đã linh hoạt điều hành giá xăng dầu, chính sách tiền tệ hay chính sách visa điện tử thời gian gần đây đều thể hiện sự đổi mới tư duy “thử nghiệm - đánh giá - hoàn thiện”.

Tóm lại, “vừa chạy vừa xếp hàng” không phải là làm vội mà là một tư duy quản trị hiện đại, trong đó pháp luật không đi sau thực tiễn mà song hành và dẫn dắt thực tiễn phát triển.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/khong-the-co-luat-tot-neu-du-thao-duoc-soan-ra-tu-ban-giay-2400142.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm