Khẳng định hiệu quả từ công tác kiểm định chương trình đào tạo, nhưng từ thực tiễn triển khai, nhiều cơ sở giáo dục đại học nhận thấy quy định bắt buộc kiểm định tất cả chương trình gây sức ép lớn với cơ sở đào tạo và quá tải cho hệ thống tổ chức kiểm định.
Sức ép lớn
TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Thành Đô (Hà Nội) nhận định: Công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường; giúp trường xác định mức độ đáp ứng mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục, đảm bảo người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Kết quả kiểm định là minh chứng của chất lượng đào tạo, giúp nhà trường khẳng định uy tín, chất lượng trong công tác đào tạo; đồng thời không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng.
Mặc dù vậy, theo TS Nguyễn Thúy Vân, quy định bắt buộc kiểm định, đánh giá ngoài tất cả chương trình đào tạo khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn, như chi phí cao, quy trình phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài. Cơ sở giáo dục phải thực hiện chu kỳ kiểm định chương trình đào tạo 5 năm một lần.
Nếu trường phải hoàn thành kiểm định chương trình đào tạo theo quy định thì nguồn kinh phí phải chi trả có thể rất lớn; ngoài chi phí chính thức theo hợp đồng còn các khoản phát sinh.
Quy trình kiểm định chương trình đào tạo bao gồm tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá và công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục; thực hiện trong thời gian dài. Mỗi giai đoạn phải chuẩn bị đầy đủ minh chứng, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, tiêu chuẩn, đảm bảo minh bạch, khách quan.
Góc nhìn của ông Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Quy định bắt buộc kiểm định tất cả chương trình đào tạo thời gian qua đã thúc đẩy các trường đại học chuẩn hóa quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành cũng phát sinh các bất cập mà nhiều chuyên gia, nhà quản lý ở các trường đại học đã lên tiếng trong thời gian qua.
Theo đó, số lượng các trung tâm kiểm định ít, số lượng kiểm định viên thiếu, mức độ tập trung chuyên môn chưa cao, trong khi số lượng các chương trình đào tạo lớn. Từ đó dẫn đến quá tải, khó bố trí lịch đánh giá, ảnh hưởng tiến độ các trường đại học. Mục tiêu theo Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã không đạt được ở hầu hết tiêu chí. Hoạt động kiểm định chương trình đào tạo đòi hỏi lượng lớn nhân sự chuyên trách và thời gian chuẩn bị minh chứng. Mỗi đợt kiểm định huy động hàng trăm người trong, ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, chi phí kiểm định cho mỗi chương trình đào tạo không hề nhỏ, đặc biệt với trường đại học công lập chưa tự chủ tài chính. Áp lực trên dẫn đến một số trường hợp có thể làm hình thức, đối phó, chạy theo thành tích, đánh giá một lần nhiều chương trình đào tạo; nên nghiên cứu khuyến cáo cho trường đại học của chuyên gia, hay việc tiếp nhận, cải tiến của các trường còn hạn chế.
“Việc đánh đồng tất cả chương trình đào tạo ở các lĩnh vực khác nhau, hay quy mô và mức độ ảnh hưởng khác nhau, cũng là điểm chưa hợp lý. Chúng ta đang thiếu bộ tiêu chuẩn cho các ngành/lĩnh vực chuyên biệt, đặc biệt là lĩnh vực có tác động xã hội lớn như sức khỏe, sư phạm, pháp luật, báo chí…”, ông Nguyễn Vinh San cho biết thêm.

Phân quyền tự chủ
PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý chất lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai kiểm định khoảng 80% chương trình đào tạo đại học; các tổ chức đánh giá kiểm định đều là quốc tế. Thực tiễn cho thấy, việc buộc phải kiểm định, đánh giá ngoài tất cả chương trình đào tạo tạo áp lực cho cơ sở giáo dục trong bố trí nguồn lực phục vụ tự đánh giá, đánh giá ngoài. Với giảng viên, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đã là áp lực lớn; áp lực này càng tăng khi thêm khối lượng không hề nhỏ từ thực hiện tự đánh giá.
“Hiện nay, số chương trình đào tạo đã được kiểm định rất nhiều, nhưng chất lượng chưa tương xứng. Các cơ sở giáo dục sẽ chạy theo số lượng, đạt số lượng yêu cầu, chứ chưa quan tâm đến cải tiến, nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, còn chưa công bằng giữa quy mô, đặc thù của các cơ sở giáo dục đại học, chưa khuyến khích sự phát triển nội lực. Cơ sở giáo dục sẽ phải chi phí không nhỏ phục vụ cho hoạt động kiểm định chất lượng; trong khi hiệu quả cải tiến chất lượng phụ thuộc nhiều vào năng lực nội tại của cơ sở hơn là chỉ qua một đợt đánh giá”.
Từ nhận định này, PGS.TS Trần Trung Kiên đề xuất phân quyền cho một số cơ sở giáo dục đã được tự chủ mức cao và đã đạt kiểm định chất lượng, có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tốt được tự đánh giá và công nhận các chương trình đào tạo. Cục Quản lý chất lượng tổ chức giám sát định kỳ về việc tự đánh giá này. Trường hợp vi phạm có thể rút quyền được tự đánh giá, công nhận. Đồng thời, cần nhấn mạnh hoạt động cải tiến chất lượng và có biện pháp giám sát việc này ở các cơ sở giáo dục.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Vinh San cho rằng, cần nghiên cứu phân quyền nhiều hơn cho cơ sở giáo dục đại học; đặc biệt các trường có đủ năng lực tổ chức tự đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo.
Cụ thể, công nhận vai trò tự đánh giá có giá trị pháp lý đối với cơ sở đã đạt kiểm định cơ sở giáo dục ở mức cao và có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tốt, thông qua quy trình được chuẩn hóa, có sự giám sát định kỳ từ cơ quan quản lý. Khuyến khích mô hình đánh giá đồng cấp giữa các trường đại học, đặc biệt trong các nhóm trường theo lĩnh vực (chẳng hạn nhóm các trường sư phạm, kỹ thuật, y tế…), nhằm tạo sự học hỏi, nâng cao chất lượng đào tạo trong cùng lĩnh vực.
Ông San cũng đề xuất áp dụng phân tầng/phân nhóm trong kiểm định: chỉ bắt buộc kiểm định đối với chương trình có quy mô, ảnh hưởng xã hội lớn, hoặc chương trình mới mở chưa ổn định. Các chương trình đào tạo đã đạt kiểm định có thể gia hạn theo cơ chế kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng, hoặc tự công bố điều kiện đảm bảo chất lượng kèm theo minh chứng cải tiến.
Phương án khác là: Quy định rõ điều kiện bắt buộc cần có để mở ngành, kiểm định sau khi có sinh viên tốt nghiệp. Nếu đạt mức “tốt” trở lên thì không cần kiểm định chu kỳ 2, chỉ cần kiểm tra hoặc tự báo cáo, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng. Tăng cường cơ chế công khai, chịu trách nhiệm giải trình xã hội, hậu kiểm thay vì tiền kiểm toàn diện, nhằm giảm gánh nặng thủ tục, đồng thời tạo điều kiện cho các trường được chủ động trong cải tiến chất lượng thực chất.
“Chúng tôi mong muốn, khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học sẽ bổ sung cơ chế và quy định phân quyền tự chủ đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục đủ năng lực, đã đạt kiểm định hệ thống, giúp các trường đại học thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo”. - TS Nguyễn Thúy Vân
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/kiem-dinh-chuong-trinh-dao-tao-trao-quyen-nhieu-hon-post739770.html
Bình luận (0)