Trong niềm vui chung kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhất là gần 29 năm tái lập tỉnh, vượt lên những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, tiên phong đổi mới, sáng tạo xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế năng động, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau đại thắng Mùa xuân năm 1975, Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, ngay khi tái lập tỉnh, căn cứ tình hình thực tiễn, Tỉnh ủy xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó có chính sách đúng đắn, xác định bước đi thích hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chỉ 3 năm sau khi tái lập tỉnh, giá trị sản xuất của tỉnh năm 2000 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với năm 1997, riêng giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 90%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị của tỉnh.
Từ năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách tỉnh vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2016 vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng; đặc biệt năm 2022 đạt cao nhất với tổng thu đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng; năm 2024 ước đạt gần 30,5 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương trong nhiều năm qua.
Với chiến lược thu hút đầu tư đúng đắn, Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều việc làm giúp nâng cao đời sống người dân. (Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH BHFlex Vina, khu công nghiệp Khai Quang). Ảnh: Chu Kiều
Xác định phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực tăng trưởng kinh tế, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021- 2030; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030; xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN); hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong và ngoài các KCN.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; duy trì thực hiện tốt chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hằng tuần”; triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh như Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore...
Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) với quy mô 50 ha (KCN Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích 3.142,96 ha, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động, 3 KCN đang triển khai xây dựng, thu hút 376 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 6,8 tỷ USD; 119 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 38.882 tỷ đồng.
Trong phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh đã khai thác lợi thế về các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, đặc biệt khi thị trấn Tam Đảo được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”; khu danh thắng Tây Thiên - quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, hồ Đại Lải phong cảnh nên thơ, hữu tình được nhiều nhà đầu tư hướng tới và các khu di tích lịch sử như khu di tích khảo cổ học Đồng Đậu, Tháp Bình Sơn được khai quật, bảo tồn…
Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, với lượng khách và doanh thu từ du lịch liên tục tăng. Nếu như năm 2011, Vĩnh Phúc mới đón được gần 1,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 740 tỷ đồng thì đến năm năm 2024 đón 10,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 90 nghìn lượt khách quốc tế.
Với sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế của tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt hơn 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2021, GRDP đạt 13,42%/năm. Năm 2024 ước đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/năm (năm 1997, quy mô nền kinh tế mới chỉ đạt 1,95 nghìn tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 2,18 triệu đồng theo giá hiện hành). Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Trong suốt hành trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn tự hào về chặng đường gần 29 năm xây dựng và phát triển của tỉnh. Đây là động lực để mỗi người dân Vĩnh Phúc hôm nay không ngừng nỗ lực, viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mai Liên
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127185/Kinh-te-Vinh-Phuc-vuot-kho-tang-truong-ben-vung
Bình luận (0)