
Từ xuất phát điểm thấp, “yếu” về hạ tầng, “thiếu” về nguồn lực, “mới” về tổ chức, sau gần ba thập kỷ, Bắc Kạn đã vững bước đi lên, định vị bằng những thế mạnh riêng có. Một tỉnh miền núi nhỏ bé, nội lực hạn chế đã vượt qua mọi rào cản để xác lập con đường phát triển, lấy việc phát huy giá trị con người, tài nguyên và văn hóa vùng cao làm nền tảng.


Thập kỷ đầu tiên sau tái lập tỉnh là giai đoạn vượt khó. Các khu cơ quan chức năng hành chính, khu chức năng, “điện – đường - trường trạm” là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kạn trong giai đoạn kiến thiết quê hương.
Với sứ mệnh “đi trước mở đường”, giao thông được xác định là khâu tập trung đột phá để Bắc Kạn thoát khỏi thế cô lập. Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế Đông Bắc, do vậy nhiều dự án giao thông trọng điểm và cấp bách kết nối liên vùng được khẩn trương thi công. Từ các tuyến quốc lộ 3, 3B, 279 từng bước được đầu tư cải tạo, đến hệ thống tỉnh lộ 255, 257, 258, 259… Hệ thống giao thông liên hoàn là nền tảng cho sự vươn xa, tạo trục động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội.
Những năm tiếp theo, tốc độ đô thị hóa trên toàn tỉnh khá nhanh. Hàng nghìn dự án lớn, nhỏ được đầu tư, dần tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng. Diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng có nhiều khởi sắc cùng với sức bật kinh tế - xã hội từng bước đưa Bắc Kạn vượt qua “vùng trũng”.


Không có lợi thế công nghiệp lớn hay hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh, Bắc Kạn chọn hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế: Phát triển lâm nghiệp bền vững, nông nghiệp hàng hóa và du lịch sinh thái – cộng đồng.
Là một tỉnh thuần nông, ngành Nông nghiệp luôn giữ vị trí chủ đạo, là nền tảng, điểm tựa của nền kinh tế địa phương. Nếu như thời kỳ đầu tái lập, đồng bào phải lo ăn từng bữa, thì chỉ sau chục năm Bắc Kạn đã giải được bài toán an ninh lương thực, người nông dân từng bước thoát nghèo trên mảnh đất quê hương.

Cấp ủy, chính quyền đã đưa ra các chính sách phù hợp đầu tư cho nông nghiệp, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Những cây trồng chủ lực, có lợi thế được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng lúa Bao thai tại Chợ Đồn, lúa nếp Khẩu Nua Lếch tại Ngân Sơn; chè Shan tuyết ở Bằng Phúc (Chợ Đồn); dong riềng ở Na Rì, Ba Bể; cam, quýt tại Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể… Nhiều sản phẩm đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thương hiệu OCOP Bắc Kạn gần đây đã gây tiếng vang trên cả nước với 245 sản phẩm được công nhận.

Rừng là nguồn tài nguyên vô giá, là lợi thế so sánh của Bắc Kạn, đất đồi rừng chiếm trên 85% diện tích. Thảm thực vật phong phú và đa dạng, nhiều loại lâm sản, dược liệu quý. Tỷ lệ che phủ rừng trên 73% đưa Bắc Kạn thành tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.

Vận động kiến tạo địa chất đã tạo nên cho vùng đất Bắc Kạn những kỳ quan thiên nhiên độc đáo. Danh thắng nổi tiếng hồ Ba Bể không chỉ là di sản thiên nhiên quý giá, mà còn là tiềm lực để Bắc Kạn phát triển du lịch.
Thiên nhiên và môi trường đã tạo cho Bắc Kạn tiềm năng dồi dào trong phát triển kinh tế. Đó cũng là điều kiện để địa phương “chọn đúng, chọn trúng” hướng đi.

Văn hóa – con người là trụ cột thứ ba trong chiến lược phát triển bền vững. Các loại hình văn hóa truyền thống như hát then, đàn tính, múa bát, sli, lượn, páo dung… được phục dựng, truyền dạy trong cộng đồng. Các lễ hội truyền thống như: Lồng tồng, hội xuân Ba Bể, Mù Là, lễ hội đền Thắm, lễ hội Gầu Tào… với nét riêng của rẻo cao ngày càng thu hút Nhân dân và khách phương xa. Những làn điệu dân ca vang vọng từ sườn núi, những bộ trang phục truyền thống rực rỡ giữa chợ phiên và nhiều nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào như mạch ngầm văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn người Bắc Kạn qua bao thế hệ.
Với hơn 80% dân số là người Tày, Nùng, Dao, Mông…, bức tranh dân tộc của Bắc Kạn đa sắc màu, thống nhất trong sự đa dạng. Quá trình xây làng, giữ bản, chinh phục thiên nhiên, lao động sản xuất đã cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết. Những đức tính cần cù, chịu khó, giản dị, dù gian khó vẫn son sắt niềm tin vào Đảng, vào cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ cũng là vốn quý làm nên cốt cách, giá trị riêng biệt của người dân Bắc Kạn.

Tiềm năng phong phú, bản sắc văn hóa đậm đà là sức mạnh nội sinh, niềm tự hào, là tiền đề để người Bắc Kạn phát huy những giá trị tốt đẹp và thế mạnh riêng có để hội nhập và phát triển./. (còn nữa)
Nguồn: https://baobackan.vn/ky-2-hanh-trinh-khai-mo-tiem-luc-dat-va-nguoi-post70981.html
Bình luận (0)