Niềm tự hào chiến thắng
Ở Nghệ An, Bảo tàng Quân khu 4 là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bảo tàng đã dành riêng một phòng để trưng bày các tư liệu, hiện vật về cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có hơn 60 tư liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo Đại tá Trần Ngọc Quang – Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, khi đến tham quan, hầu hết cán bộ, chiến sĩ trẻ và thế hệ thanh -thiếu niên thực sự xúc động khi chứng kiến các tư liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đó là chiếc xe thồ của anh Cao Văn Tỵ (tỉnh Thanh Hóa) dùng để thồ hàng chi viện cho chiến dịch, chiếc xe này từng thồ 320/kg gạo/chuyến, đáp ứng nhu cầu cấp bách của chiến trường; dây kéo pháo của dân công Thanh Hóa dùng kéo pháo vào trận địa phục vụ chiến dịch.

Đó là một số tấm vải dù của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 129 (Đại đoàn 304) dùng để ngụy trang chiến đấu, qua đó thể hiện sự thông minh, gan dạ và dũng cảm của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện vật còn có chiếc ba lô xếp đựng quân tư trang của chiến sĩ Nguyễn Kim Sơn ở xã Phúc Thành (huyện Yên Thành), thuộc Tiểu đoàn 418 (Đại đoàn 304).
Đặc biệt, Bảo tàng còn lưu giữ một số hiện vật của các anh hùng, liệt sĩ Điện Biên Phủ như chiếc áo trấn thủ của Anh hùng Tô Vĩnh Diện, người lấy thân mình cứu pháo; khối bộc phá – sáng kiến của Anh hùng Phan Tư dùng phá thác trên sông Nậm Na, thông luồng vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch; chiếc mũ nan của Anh hùng liệt sĩ Trần Can, người cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên vị trí Him Lam trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ…

Bên cạnh trưng bày hiện vật, tư liệu tại không gian bảo tàng, Bảo tàng Quân khu 4 còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, triển lãm lưu động đến các cơ quan, đơn vị và địa phương, triển lãm online, thi kể chuyện Điện Biên Phủ, xuất bản sách kỷ vật kháng chiến để phục vụ cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và bà con nhân dân.
Với ưu thế gần gũi, gắn với trực quan sinh động, các hoạt động này đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới trẻ, giúp hiểu sâu sắc hơn về nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Qua việc tổ chức triển lãm và các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các em thanh – thiếu niên tỏ rõ niềm say mê, tự hào về chiến thắng của thế hệ cha ông. Qua đó, động viên, khích lệ các em nỗ lực trong học tập, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Đại tá Trần Ngọc Quang - Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4
Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay".
Do vậy, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm giúp thế hệ trẻ có tư duy, nhận thức sâu sắc rằng mỗi thành quả mà thế hệ trẻ hôm nay được thụ hưởng được đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối cách mạng và hàng triệu người con Việt Nam, để từ đó có hành động đúng, trung thành với Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc, và đối với tuổi trẻ Nghệ An - quê hương Bác Hồ kính yêu, việc giáo dục truyền thống cách mạng từ sự kiện lịch sử này luôn được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm chỉ đạo các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó tập trung chính vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, là học sinh, sinh viên bằng những chương trình, hoạt động ý nghĩa.
Đó là chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chú trọng các hoạt động hướng về các địa chỉ đỏ, hoạt động về nguồn, gặp gỡ nhân chứng lịch sử; gặp gỡ, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh; sinh hoạt toàn Đoàn trong tháng 5 với chủ đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ bằng các hình thức phong phú, đa dạng như Rung chuông vàng, sân khấu hóa, thi trực tuyến,... thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
Cấp tỉnh tổ chức hành trình về nguồn tại Điện Biên Phủ cho cán bộ Đoàn chủ chốt trong tỉnh, trao tặng nhà đại đoàn kết cho gia đình khó khăn tại Điện Biên, tặng các suất quà cho các em học sinh nghèo vượt khó học tốt;…
Hàng năm, đến ngày kỷ niệm, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động như hưởng ứng cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”.

Trong dịp từ đầu tháng 3 đến hết tháng 5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng đội tỉnh, Hội Sinh viên tỉnh thường xuyên phát động, tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm.
Hội đồng đội tỉnh tổ chức Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe – tiến bước lên Đoàn, hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội Sinh viên tổ chức các hoạt động kỷ niệm với chủ đề sinh viên với khát vọng non sông…
Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng ôn lại trang sử truyền thống hào hùng của lịch sử dân tộc, hiểu hơn về lịch sử để hiểu rõ giá trị hòa bình. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người viết tiếp câu chuyện hòa bình, về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Anh Nguyễn Mạnh Phong – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An
Nguồn: https://baonghean.vn/ky-niem-71-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2025-nghe-an-giao-duc-truyen-thong-ly-tuong-cach-mang-cho-the-he-tre-10296709.html
Bình luận (0)