Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỳ vọng mô hình Trung học nghề

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sửa đổi gồm 9 chương và dự kiến 50 điều đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là nội dung về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở (THCS) thông qua mô hình Trung học nghề, đa dạng hóa hình thức đào tạo và vấn đề mở rộng hợp tác với doanh nghiệp, quốc tế.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai24/07/2025

Học sinh Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (đóng tại phường Hố Nai) trong giờ thực hành nghề. Ảnh: Hải Yến
Học sinh Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (đóng tại phường Hố Nai) trong giờ thực hành nghề. Ảnh: Hải Yến

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai có 12 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề. Các trường này hoàn toàn có thể chuyển đổi hoặc tổ chức lớp trung học nghề, qua đó đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học, góp phần thực hiện tốt phân luồng học sinh sau THCS.

Mô hình khả quan, đúng hướng

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10-2025. Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) so với Luật GDNN năm 2014 là chính sách về đổi mới hệ thống GDNN. Theo đó, hình thành Chương trình Trung học nghề trong GDNN, đào tạo tích hợp kiến thức nền tảng của chương trình trung học phổ thông (THPT) và năng lực nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng; hình thành mạng lưới cơ sở GDNN tinh gọn, hiệu quả, gồm: trường trung học nghề, trường cao đẳng; mở rộng hệ thống cơ sở tham gia hoạt động GDNN…

Việc đưa mô hình Trung học nghề vào Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) là bước đi rất quan trọng trong việc phân luồng sớm học sinh sau THCS, đặc biệt phù hợp với các tỉnh có nhu cầu lao động kỹ thuật cao như Đồng Nai.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Đăng Bảo Linh đánh giá cao tiềm năng áp dụng mô hình này tại Đồng Nai. Ông Linh cho rằng, là tỉnh công nghiệp phát triển với hơn 50 khu công nghiệp, Đồng Nai có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp. Do vậy, mô hình Trung học nghề có thể cung cấp nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề sớm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngay từ lứa tuổi 17-18.

“Mô hình Trung học nghề nếu được thực hiện tốt sẽ mở ra con đường kép: Học sinh có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp với kỹ năng nghề đã được công nhận hoặc có thể tiếp tục học liên thông lên trung cấp, cao đẳng, đại học theo hướng mở, không bị giới hạn như trước” - ông Linh cho hay.

Theo ông Đỗ Lê Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại xã Long Phước), Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) quy định về mức độ tương đương nhau giữa bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp trung học nghề. Đây sẽ là lựa chọn phù hợp để các học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn để tiếp tục theo học.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (đóng tại phường Trấn Biên) Huỳnh Lê Tuấn Dũng cho rằng, mô hình Trung học nghề là bước đi đúng hướng, rất có tiềm năng triển khai tại địa phương. Mô hình này sẽ tạo điều kiện để học sinh sau THCS được định hướng nghề nghiệp sớm, học song song văn hóa và kỹ năng nghề, rút ngắn thời gian đào tạo và có thể tham gia thị trường lao động sớm với tay nghề tốt. Đây cũng là giải pháp thiết thực để giải quyết bài toán phân luồng học sinh sau THCS, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Có thể dạy theo module, tín chỉ cho học sinh trung học nghề

Hiện nay, nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh đang triển khai đào tạo hệ trung cấp với 2 mô hình: Học sinh vừa học trung cấp, vừa học văn hóa THPT chương trình giáo dục thường xuyên (sau khi hoàn thành chương trình, học sinh có thể tham gia thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT); Học sinh vừa học trung cấp, vừa học khối lượng kiến thức văn hóa THPT tối thiểu theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chỉ học 4 môn văn hóa).

Do đã có kinh nghiệm nhiều năm triển khai đào tạo hệ văn hóa nghề, nếu mô hình Trung học nghề được áp dụng thì các trường có nhiều thuận lợi để triển khai.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) là cho phép đào tạo linh hoạt như: tích lũy module, học trực tuyến, học theo tín chỉ, học rút gọn... giúp cho người học tiết kiệm được thời gian và chi phí, học trực tuyến và rút gọn, giúp giảm thời gian học tập, chi phí đi lại, ăn ở... Mặt khác, quy định này cũng tạo cơ hội cho người học thực hiện việc học tập suốt đời, người học có thể quay trở lại học tiếp bất cứ lúc nào nhờ quy định tích lũy module và tín chỉ.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Lê Hoàng, vẫn có những thách thức cho việc triển khai. Đó là hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Đội ngũ giáo viên phải thích ứng với mô hình mới. Việc đánh giá kết quả gặp khó khăn do cần có hệ thống quản lý hiện đại.

Để triển khai dạy học theo hình thức tích lũy module cho cấp THPT, ông Đỗ Lê Hoàng cho rằng, cần thay đổi trong cách quản lý. Theo đó, cần thiết kế chương trình theo hướng các module kỹ năng, áp dụng hệ thống quản lý tín chỉ; giáo viên cần được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy theo module, tín chỉ. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và đào tạo cần ban hành các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể để triển khai một cách hợp pháp và đồng bộ.

Ông Huỳnh Lê Tuấn Dũng bày tỏ: “Theo tôi, hoàn toàn có thể áp dụng đào tạo kỹ năng theo module cho học sinh sau THCS để học trung học nghề. Tuy nhiên, cần xây dựng chương trình có tính linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo nền tảng kiến thức, năng lực thực hành phù hợp với lứa tuổi. Về quản lý đào tạo, cần điều chỉnh các quy định để công nhận module/môn học đã tích lũy, đồng thời có hệ thống quản lý đào tạo tốt để theo dõi tiến trình học, đánh giá kết quả và đảm bảo chất lượng đầu ra”.

Hải Yến

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/giao-duc/202507/ky-vong-mo-hinh-trung-hoc-nghe-1ad2ed3/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm