Hiện Hà Tĩnh có 1.864 cộng tác viên (CTV) dân số. Cùng với đội ngũ chuyên trách, lực lượng này đã đóng góp quan trọng vào thành công của công tác truyền thông KHHGĐ tại cơ sở. Sự hiện diện của họ ở các thôn, tổ dân phố giúp chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời các số liệu về dân số, đồng thời hỗ trợ tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và nâng cao chất lượng dân số.

Không chỉ vậy, trong các chiến dịch truyền thông dân số và chăm sóc SKSS-KHHGĐ, lực lượng CTV dân số đã thể hiện rõ vai trò then chốt. Họ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thông tin, khuyến khích người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Chính sự tận tâm này đã tạo nên những thay đổi trong nhận thức và hành vi của người dân. Từ đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Sự tận tâm và những đóng góp không nhỏ của đội ngũ CTV dân số tại Hà Tĩnh là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là chế độ phụ cấp dành cho họ vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Dù đã nhiều lần muốn dừng việc do mức phụ cấp ít ỏi trong khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng nhờ sự động viên từ lãnh đạo thôn và trạm y tế xã, bà Lê Thị Yến (SN 1970) - CTV dân số thôn Trung Bằng (xã Sơn Bằng, Hương Sơn) vẫn tiếp tục gắn bó với công việc.
Bà Yến tâm sự: “Thật tình, có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì công việc này đòi hỏi phải di chuyển nhiều, tiếp xúc với nhiều người, trong khi chế độ phụ cấp chỉ được 720 nghìn đồng/tháng (bao gồm thực hiện nhiệm vụ CTV dân số, y tế thôn và một số công việc khác). Tuy nhiên, nghĩ đến những kiến thức và lời khuyên của mình có thể giúp ích những người dân trong thôn nên tôi lại cố gắng gắn bó với công việc”.

Gắn bó với công tác dân số hơn 40 năm, nhưng mức phụ cấp mà bà Trần Thúy Hưng nhận được vẫn chưa tương xứng.
Bắt đầu làm CTV dân số từ năm 1982 đến nay, bà Trần Thúy Hưng (SN 1960, ở tổ dân phố 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) vẫn miệt mài với công việc. Hằng ngày, hằng tháng bà Hưng phải thống kê các biến động dân số (người đến, người đi), tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử, tỷ lệ giới tính khi sinh, tình hình kết hôn, tuyên truyền và vận động người dân áp dụng các biện pháp tránh thai... Do đặc thù dân số đông (gần 500 nhân khẩu thường trú) và nhiều người từ các địa phương khác đến sinh sống, thuê cửa hàng buôn bán nên việc cập nhật số liệu đòi hỏi bà Hưng phải mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, khi nhắc đến chế độ phụ cấp hiện tại, bà Hưng không giấu được sự trăn trở: “Hơn 40 năm gắn bó với công tác dân số, tôi luôn nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Nhưng với mức hỗ trợ hiện nay là 150 nghìn đồng, tôi không khỏi băn khoăn về tương lai của những người làm công tác này. Tình yêu với công việc thì lớn, nhưng cuộc sống mưu sinh cũng là một gánh nặng. Chúng tôi chỉ mong sao những nỗ lực của mình được ghi nhận một cách xứng đáng hơn".
Hiện nay, CTV dân số được chi trả phụ cấp theo Nghị quyết 111/2023/NQHĐND ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định chức danh, mức phụ cấp và kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hằng tháng, mức phụ cấp kiêm nhiệm của người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp đối với một số chức danh khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, tại mục 6, khoản 1, Điều 6 của Nghị quyết 111/2023/NQHĐND thì CTV dân số ở phường/thị trấn có mức phụ cấp từ 120-360 nghìn đồng/tháng. Còn ở các xã, theo khoản 2, Điều 5 của Nghị quyết 111/2023/NQHĐND, CTV dân số có mức phụ cấp khoảng từ 540-702 nghìn đồng/tháng (bao gồm cả nhiệm vụ y tế thôn).

Những khó khăn về chế độ phụ cấp phần nào dẫn đến tình trạng đội ngũ CTV dân số thường xuyên có sự thay đổi, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tại cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 1.903 thôn/tổ dân phố nhưng chỉ bố trí được 1.864 CTV dân số. Tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi khối lượng công việc ngày càng gia tăng do những biến động dân số và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Hệ quả là, không ít CTV dân số đã suy giảm nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, thậm chí có trường hợp bỏ bê công việc, nhất là trong bối cảnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính như hiện nay, việc thay đổi địa bàn quản lý sẽ làm tăng đáng kể khối lượng công việc mà mỗi CTV phải đảm trách.
Để duy trì hoạt động hiệu quả của đội ngũ CTV dân số, về lâu dài, việc nâng cao chế độ đãi ngộ và có những chính sách thiết thực hơn là vô cùng cần thiết. Trước mắt, rất mong UBND các cấp bố trí đủ kinh phí hoạt động cho công tác dân số theo quy định tại Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về công tác dân số và phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030. UBND cấp xã cần cân đối, bố trí ngân sách chi trả phụ cấp kịp thời, đúng quy định cho đội ngũ CTV, chỉ đạo, hướng dẫn lựa chọn, bố trí CTV dân số thôn, tổ dân phố có tính ổn định lâu dài, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định…
Nguồn: https://baohatinh.vn/lam-gi-de-giu-lua-hoat-dong-cua-cac-cong-tac-vien-dan-so-post287394.html
Bình luận (0)