Chị Mã Thị Dạy đang âm thầm gìn giữ văn hóa dân tộc Tày giữa nhịp sống hiện đại. |
Sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Tày, từ khi còn nhỏ chị Dạy đã được bà và mẹ truyền dạy những làn điệu Then, hát Cọi ngọt ngào, da diết. Tình yêu với văn hóa Tày lớn dần trong chị, trở thành niềm tự hào và lý tưởng sống. Từ niềm đam mê giản dị là tự học cắt may để thỏa mãn mong muốn mặc lại trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị dần nhận ra rằng cần phải làm gì đó để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo ấy.
Với khát vọng gìn giữ và lan tỏa văn hóa Tày, chị đầu tư mở cơ sở chế tác đàn Tính tại thôn Bản Luông, xã Cẩm Giàng và cơ sở Bảo An Shop tại tổ 4, phường Đức Xuân, nơi chuyên cắt may trang phục truyền thống, tổ chức lớp dạy đánh đàn Tính và trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người yêu văn hóa bản địa.
Sản phẩm không chỉ phục vụ các hoạt động văn hóa trong nước mà còn được đặt hàng từ các cộng đồng quốc tế có nét văn hóa tương đồng. Điều đặc biệt ở cơ sở của chị là khách hàng không chỉ đến để mua mà còn để trải nghiệm.
Giữa không gian đậm chất Tày, họ được ngắm nhìn những bộ trang phục được may đo thủ công, tinh xảo đến từng họa tiết, được giới thiệu về các vật phẩm linh thiêng như quạt, chuông, thẻ âm dương - những biểu tượng quan trọng trong nghi lễ Then cổ truyền.
Lớp dạy đàn Tính của chị Mã Thị Dạy giúp lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc Tày. |
Hiện nay, chị Mã Thị Dạy đang duy trì một lớp dạy đánh đàn Tính với 16 học viên thuộc nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau. Lớp học diễn ra vào các tối thứ Hai, Tư và Sáu hằng tuần. Dù trời mưa hay nắng, các học viên vẫn đều đặn đến lớp mang theo niềm say mê âm nhạc dân tộc và khát khao tìm về cội nguồn văn hóa. Chị Dạy chỉ thu một khoản phụ phí nhỏ để in ấn tài liệu, riêng những học viên có hoàn cảnh khó khăn đều được chị miễn phí.
Còn em Hoàng Hải Đăng, học sinh lớp 8, Trường THCS Huyền Tụng, phường Đức Xuân, cho hay: Em từng thấy ông bà chơi đàn Tính nhưng chưa bao giờ được học. Nhờ lớp của cô Dạy, em không chỉ học đàn mà còn được nghe kể chuyện xưa, biết ý nghĩa của từng bản nhạc, từng bộ trang phục.
Chị tâm sự: “Tôi không chỉ muốn người trẻ biết đánh đàn Tính hay mặc đồ truyền thống mà còn hiểu được giá trị văn hóa trong đó. Trang phục không chỉ là đồ mặc biểu diễn mà là linh hồn của văn hóa, phản ánh đời sống, tâm hồn và phong tục của cả một tộc người. Còn tiếng đàn Tính đó là tiếng nói của núi rừng, của ký ức và bản sắc. Giữ được những điều ấy là giữ được cội nguồn của chính mình”.
Âm thầm nhưng bền bỉ, những việc làm của chị Mã Thị Dạy đang góp phần quan trọng trong hành trình gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc Tày giữa đời sống hiện đại hôm nay.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/lang-tham-giu-lua-van-hoa-dan-toc-tay-f142564/
Bình luận (0)