Ghi nhận từ thị trường bán lẻ cho thấy, trong những ngày gần đây, nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, GO!, WinMart, Bách Hóa Xanh… đã đồng loạt tung ra các chương trình giảm giá từ 20-50% cho hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó, các thương hiệu điện máy như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Media Mart… cũng áp dụng chính sách giảm giá sâu và mua sắm trả góp 0% cho nhóm sản phẩm điện tử, gia dụng phục vụ mùa hè.
Các chương trình khuyến mại sẽ kích thích tăng trưởng tiêu dùng |
Theo bà Trần Thu Thủy, Giám đốc truyền thông của một hệ thống bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh, trong dịp nghỉ lễ, lưu lượng khách hàng dự kiến sẽ tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.
"Chúng tôi tận dụng thời điểm này để tung ra khuyến mãi lớn, vừa thúc đẩy doanh số, vừa khơi thông lượng hàng tồn kho trước mùa cao điểm tiêu dùng hè”, vị này cho biết.
Không chỉ ở kênh bán lẻ truyền thống, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… cũng vào cuộc với các chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển và hoàn xu lên đến 50%.
Điểm đáng chú ý trong các chiến dịch kích cầu hiện nay là nhiều doanh nghiệp lựa chọn kết hợp với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tại các siêu thị, mặt hàng sản xuất trong nước được ưu tiên trưng bày tại vị trí nổi bật, có nhãn nhận diện rõ ràng và thường đi kèm mức chiết khấu cao.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024, tỷ lệ người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên hàng Việt Nam đạt trên 85%, tăng gần 20% so với cách đây 10 năm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước vừa thúc đẩy doanh thu, vừa xây dựng thương hiệu bền vững trên chính sân nhà.
Các chuyên gia nhận định, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, chiến lược bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa kênh trực tuyến (thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream) và trực tiếp (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã trở thành động lực chính thúc đẩy sức mua.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 trở thành “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm khai thác tối đa tiềm năng của thị trường. |
Trong bối cảnh hiện tại, khi xuất khẩu đối mặt với nhiều rào cản và cạnh tranh gay gắt, thì thị trường nội địa chính là vùng đệm quan trọng. Việc kích cầu tiêu dùng không chỉ đơn thuần là bài toán doanh số ngắn hạn, mà còn là một phần của chiến lược phát triển dài hạn, tạo ra một hệ sinh thái kinh tế tự chủ và bền vững.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính nhận định, trong cấu trúc tăng trưởng kinh tế hiện nay, tiêu dùng nội địa đóng vai trò then chốt. Khi sức mua yếu, doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ hàng hóa dẫn đến cắt giảm sản xuất và lao động. Ngược lại, nếu cầu tiêu dùng được kích hoạt đúng cách sẽ tạo ra chuỗi lan tỏa tích cực tới toàn bộ nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng hóa chiếm tới 77,3% tổng doanh thu. Sự tăng trưởng này phản ánh xu hướng phục hồi tiêu dùng của người dân sau một thời gian dài thắt chặt chi tiêu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) chia sẻ, nếu được triển khai bài bản, các chương trình kích cầu không chỉ có tác động trong ngắn hạn mà còn hình thành thói quen tiêu dùng bền vững. Quan trọng hơn, nó giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh, thay vì chỉ dựa vào các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Tỷ lệ người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên hàng Việt Nam đạt trên 85%, tăng gần 20% so với cách đây 10 năm. |
Mặc dù các hoạt động kích cầu trong dịp lễ mang lại tín hiệu tích cực, nhưng để duy trì hiệu quả dài hạn thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ thuế, vốn vay ưu đãi, chương trình bình ổn giá, phát triển logistics và thương mại điện tử… là những yếu tố cần được tiếp tục thúc đẩy để tạo nền tảng cho tiêu dùng nội địa phát triển bền vững. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, minh bạch thông tin sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng có niềm tin thì hành vi mua sắm mới thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/le-304-15-thoi-diem-vang-de-kich-cau-tieu-dung-163283.html
Bình luận (0)