Đó là Lễ hội Bun Vốc Nặm (té nước) mỗi năm tổ chức một lần vào độ giữa tháng Ba dương lịch. Địa bàn chủ yếu và là điểm nhấn không gian diễn xướng Lễ hội Bun Vốc Nặm là ở xã Nà Tăm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và một số địa phương các tỉnh Tây Bắc có đồng bào dân tộc Lào sinh sống.
Té nước là điểm nhấn sôi động và hấp dẫn trong Lễ hội Bun Vốc Nặm. |
Lễ hội Bun Vốc Nặm thường được tổ chức tại trung tâm xã, với nhiều nghi lễ và hoạt động truyền thống như diễn xướng tái hiện lễ cúng cầu mưa, nghi lễ té nước, thi té nước, thi ẩm thực, thi đan lát các sản phẩm từ tre, thi đua bè, thi bắt cá suối. Đồng thời, các trò chơi dân gian được tổ chức sôi động như bắt vịt dưới nước, đi cầu thăng bằng trên mặt nước, tung còn, bịt mắt đánh chiêng, giao lưu văn nghệ, xòe truyền thống, nhảy sạp… Tại không gian lễ hội, người dân và du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày văn hóa dân tộc Lào.
Điểm nhấn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh của Lễ hội Bun Vốc Nặm là nghi lễ cúng thần linh với những nghi thức cổ truyền thiêng liêng và trang trọng. Ngay từ sáng sớm, các trưởng bản đã có mặt tại sân vận động, nơi tổ chức lễ hội cùng các chàng trai, cô gái Lào để chuẩn bị tiến hành nghi lễ. Trong khi tổ chức, các trưởng bản, thanh niên nam nữ khoác áo tơi, đội nón để diễn xướng các động tác mô phỏng như gõ mẹt, tuốt lá cọ, tuốt lạt… tạo nên âm thanh của tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Mục đích của nghi lễ này là cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người được ấm no, bình yên.
Tiếng nói cười hòa vào dòng suối trong mát, tiếng reo hò cổ vũ của dân bản và du khách hòa vào thanh âm và hương sắc của núi rừng tháng Ba, người xem ở mọi ngả đường đổ về nườm nượp, tất cả cùng hòa điệu tạo nên một sợi dây kết nối tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc. Sôi động, hấp dẫn nhất là các phần thi của Lễ hội Bun Vốc Nặm. Nổi bật là nghi lễ té nước và phần thi té nước. Các bản làng tổ chức thành các đội thi té nước và mời du khách cùng tham gia, mỗi đội thi gồm 10 vận động viên (5 nam, 5 nữ). Khi thi, các đội xếp thành hàng ngang dưới suối, đội A đứng đối diện đội B. Khi có hiệu lệnh của trọng tài, hai đội bắt đầu té nước liên tục vào đội đối diện mình. Trong quá trình té nước, nếu vận động viên quay sang phải, sang trái hay do mỏi tay mà bỏ cuộc thì coi như thua. Sau 3 phút, dừng té nước, nếu đội nào số lượng vận động viên còn ít hơn sẽ là đội thua cuộc.
Những thiếu nữ dân tộc Lào duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống. |
Màn thi bắt cá suối cũng không kém phần sôi động. Địa điểm diễn ra cuộc thi là khu vực suối gần các bản. Mỗi bản thành lập một đội thi, kèm theo đó là các dụng cụ bắt cá như chài, lưới, nơm loại nhỏ. Trong khi thi, người thi không được be bờ làm nước cạn để bắt cá, không được dùng các cách bắt cá khác ngoài cách sử dụng các vật dụng theo thể lệ. Sau 60 phút, các đội chơi sẽ mang cá về nơi tập kết để ban giám khảo tính điểm. Cá suối khi chấm điểm bảo đảm còn nguyên con, sạch sẽ, không có rác và đất đá, sau đó, tính điểm theo trọng lượng của cá bắt được của từng đội.
Không thể thiếu trong lễ hội là những bộ trang phục truyền thống được những người phụ Lào duyên dáng, e ấp mặc để mang đến không gian sắc màu thổ cẩm đặc trưng và ấn tượng.
Lễ hội Bun Vốc Nặm của dân tộc Lào ở Tây Bắc xuất phát từ tập quán nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện mong ước của đồng bào về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội này ngày nay không còn là của riêng cộng đồng dân tộc Lào mà đã có sự lan tỏa rộng khắp trong và ngoài địa phương, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/le-hoi-bun-voc-nam-cua-dan-toc-lao-mien-tay-bac-739019c/
Bình luận (0)