Rắn lục Trường Sơn - Loài rắn đặc hữu của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là các loài bò sát, với khoảng 200 loài rắn được ghi nhận, trong đó khoảng 30 loài được xác định là có độc. Các loài rắn độc tại Việt Nam có môi trường sống phong phú, từ vùng núi cao, rừng nhiệt đới, đồng bằng đến cả dưới biển.
Trong số đó có những loài rắn đặc hữu, chỉ được tìm thấy tại một số khu vực của Việt Nam với số lượng không nhiều. Đây đều là những loài rắn được xếp vào danh sách nguy cấp và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Rắn lục Trường Sơn là một trong những loài rắn đó.

Một cá thể rắn lục Trường Sơn với màu sắc rực rỡ và hoa văn đẹp mắt (Ảnh: Thomas Ziegler).
Rắn lục Trường Sơn, còn được gọi là rắn lục Quảng Bình, có tên khoa học Trimeresurus truongsonensis. Đây là loài thuộc họ rắn lục, được mô tả khoa học lần đầu tiên vào năm 2004.
Rắn lục Trường Sơn chỉ được tìm thấy tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ở độ cao từ 500 đến 600m. Tên gọi của loài rắn này được đặt theo địa điểm chúng sinh sống.
Nhiều nhà khoa học tin rằng loài rắn này cũng được phân bố ở khu vực phía bắc tỉnh Quảng Trị và Lào, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy điều này.
Giống các loài thuộc họ rắn lục khác, rắn lục Trường Sơn có đầu lớn hình tam giác, phân biệt rõ với cổ và thân. Phía trước mũi của loài rắn này có các hốc cảm biến nhiệt, giúp chúng xác định nhiệt độ của con mồi để đi săn vào ban đêm.
Rắn lục Trường Sơn có kích thước nhỏ. Cá thể đực khi trưởng thành dài khoảng 52cm, trong khi những con cái đạt độ dài 65cm.
Mặc dù thuộc họ rắn lục, rắn lục Trường Sơn không sở hữu lớp vảy màu xanh lục như thường thấy, thay vào đó loài rắn này thường có màu xanh lam hoặc nâu nhạt, với các dải màu đỏ nâu vắt ngang chiều dài cơ thể. Bụng rắn có màu xám hoặc xanh lam.
Đây là một loài rắn có vẻ ngoài đẹp mắt và thu hút, nhưng đừng để những hoa văn này đánh lừa bạn bởi chúng sở hữu nọc độc nguy hiểm.
Cận cảnh một cá thể rắn lục Trường Sơn (Video: Tarantulas Vietnam).
Lối sống và thức ăn của rắn lục Trường Sơn
Rắn lục Trường Sơn rất khó bị bắt gặp, ngay cả trong môi trường sống của chúng, một phần vì đây là loài rắn hiếm với số lượng ít ỏi, phần khác vì màu sắc cơ thể giúp rắn lục Trường Sơn dễ ẩn mình.
Chúng là loài nhút nhát và thường tìm cách lẩn trốn khi có động.

Rắn lục Trường Sơn có phần đầu lớn, phân biệt rõ với cổ và thân (Ảnh: PNTK TV).
Hầu hết các ghi chép của các nhà nghiên cứu cho biết rắn lục Trường Sơn có thể được tìm thấy sau những trận mưa lớn, khi chúng nằm phơi nắng trên các khối đá vôi hoặc những mảng nắng chiếu dưới tán cây, bụi rậm.
Rắn lục Trường Sơn hiếm khi xuất hiện trên mặt đất và dành phần lớn thời gian ẩn mình trong các khe nứt của khối đá vôi.
Cũng như các loài rắn lục khác, rắn lục Trường Sơn săn mồi vào ban đêm. Điều này giúp chúng tránh được nhiệt độ khắc nghiệt vào ban ngày và tránh được những kẻ săn mồi tiềm tàng ngoài tự nhiên. Chúng chủ yếu ăn các loài động vật có vú nhỏ, chim, thằn lằn và ếch.
Rắn lục Trường Sơn là loài đẻ trứng thai (noãn thai sinh), nghĩa là trứng sau khi được thụ tinh vẫn sẽ nằm bên trong ống dẫn trứng của rắn mẹ cho đến khi nở thành rắn con và chui ra ngoài. Hình thức sinh sản này khác với phương thức đẻ con ở chỗ không có kết nối nhau thai giữa mẹ và con và cơ thể của sinh vật mẹ không cung cấp trao đổi khí cho con non.
Rắn lục Trường Sơn độc đến mức nào?
Do rắn lục Trường Sơn hiếm gặp nên hầu như rất ít ghi nhận trường hợp con người bị loài rắn này tấn công.
Tuy nhiên, theo một báo cáo được xuất bản trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Sức khỏe Cộng đồng Đông Nam Á vào ngày 17/5 vừa qua, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cấp cứu cho một thanh niên bị rắn lục Trường Sơn cắn.
Theo nội dung bài báo, một thanh niên 20 tuổi người Hà Nội trong khi đi du lịch tại Quảng Bình đã bắt được một con rắn lục Trường Sơn và đem con vật về nhà làm thú cưng. Tuy nhiên, trong khi cho rắn ăn, người này đã bị con vật cắn trúng bàn tay phải.
Các bác sĩ cho biết, gần 3 giờ sau khi bị rắn cắn, nạn nhân được đưa đến Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai với tình trạng đau và sưng tại vị trí cắn. Đây là dấu hiệu đặc trưng khi bị các loài thuộc họ rắn lục cắn.

Tay phải của nạn nhân sưng to sau khi bị rắn lục Trường Sơn cắn (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai).
Nạn nhân sau đó được các bác sĩ hỗ trợ bằng dịch truyền tĩnh mạch, tiêm một liều huyết thanh chống uốn ván và tiêm tĩnh mạch thuốc kháng sinh clindamycin dự phòng với liều 1.800mg/ngày. Bệnh nhân không được tiêm huyết thanh kháng nọc độc rắn. Dù vậy, 48 giờ sau khi bị rắn cắn, nạn nhân đã hết đau và xét nghiệm máu bình thường.
Tình trạng bảo tồn của rắn lục Trường Sơn
Do số lượng hiếm gặp trong tự nhiên, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp rắn lục Trường Sơn vào Sách đỏ, thuộc nhóm các loài động vật Nguy cấp ngoài tự nhiên và cần được bảo vệ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/loai-ran-luc-chi-co-tai-viet-nam-so-huu-lop-vay-mau-sac-sac-so-20250524042449135.htm
Bình luận (0)