Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 38,12%; dân tộc Thái 35,69%; dân tộc Kinh 17,38% phân bố tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh… Mỗi dân tộc đều có những nét riêng về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… tạo thành bức tranh văn hóa đa sắc màu.
Lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại Trường TH và THCS xã Pa Thơm.
Tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, tiếng mẹ đẻ vẫn là phương tiện giao tiếp chính của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, các thông tin quan trọng như chính sách pháp luật, các chương trình hỗ trợ, kiến thức khoa học kỹ thuật hay thông tin y tế, sức khỏe đều được thể hiện bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt) ảnh hưởng đến công tác phổ cập thông tin đến với đồng bào.
Xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương mở nhiều lớp xóa mù chữ.
Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã phối hợp mở 143 lớp xóa mù chữ với 3.330 học viên. Học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhờ đó, nâng tỷ lệ người biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.
Nếu như năm 2021, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 96,58% thì đến nay là 97,06%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 năm 2021 là 86,63% thì nay đạt 90,11%. Đến nay, 129/129 xã và 10/10 huyện duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
Theo kế hoạch đến hết năm 2025, toàn tỉnh mở 175 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, với 4.015 học viên tham gia. Riêng năm 2025 là 29 lớp với 671 học viên. Để đạt kế hoạch, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ người học, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ như: Hỗ trợ sách giáo khoa, học phẩm, kinh phí...
Qua đánh giá cho thấy, sau khi kết thúc lớp xóa mù chữ học viên biết đọc, viết, tính toán và tiếp cận kiến thức cần thiết để vận dụng vào cuộc sống, lao động sản xuất.
Nhờ con chữ, nhiều người dân tộc thiểu số đã tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Bà Lò Thị Choi (58 tuổi, người dân tộc Lào ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong số những trường hợp như thế.
Năm 2024, bà Choi cùng nhiều người dân tộc Lào ở xã Pa Thơm tham gia lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại Trường TH và THCS xã Pa Thơm. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo đứng lớp nên sau khi hoàn thành chương trình học, bà Choi đã có thể tự viết được tên mình đồng thời đọc được những văn bản ngắn.
Bà Lò Thị Choi có thể đọc, viết, biết tính toán sau khi tham gia lớp học xóa mù chữ.
"Chỉ vài năm trước, mỗi lần được xã mời lên để giải quyết thủ tục hành chính, do không biết chữ nên tôi chỉ có thể dùng tay lăn mực, điểm chỉ; tôi cũng không hiểu được nội dung trong giấy tờ viết gì nên khi biết đến lớp xóa mù chữ, tôi quyết tâm phải học lấy cái chữ", bà Choi chia sẻ.
Cũng theo người phụ nữ dân tộc Lào, biết chữ, biết tính toán khiến cuộc sống của bà thay đổi hơn trước nhiều. Giờ đây, bà Choi có thể đọc hiểu cũng như tính toán khi giao dịch mua bán hàng hóa.
Cũng giống như bà Choi, sau khi tham gia lớp xóa mù chữ năm 2024, bà Lò Thị Păn (54 tuổi, người dân tộc Lào, trú tại bản Pa Xa Lào) đã biết đọc, biết viết, biết tính toán trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Bà Păn cũng biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi theo phương pháp mới. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình bà được cải thiện rõ rệt.
Biết chữ giúp ích nhiều cho bà Lò Thị Păn trong cuộc sống.
Đặc biệt là trường hợp chị Thào Thị Pày (40 tuổi, người dân tộc Mông ở thôn Tỉnh B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Điện Biên). Lấy chồng sớm, với 2 bàn tay trắng, đất đai có nhưng không có vốn, không biết chữ, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nhà đông người, nên cuộc sống của gia đình chị Pày quanh năm đói nghèo, vất vả. Năm 2018, chị Pày tham gia lớp học xóa mù chữ. Nhờ quyết tâm nên sau khóa học, chị đã có thể đọc, viết.
Năm 2019, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi 1ha nương sang trồng keo, sa mộc, thông, bạch đàn. Đồng thời, mở rộng chăn nuôi với 22 con lợn, 2 con trâu, 4 bò, 15 dê, 300 con gà đen kết hợp trồng 1ha ngô, 0,5ha lúa, 600m² nuôi cá, 1.500m² rau màu. Nhờ mô hình đa dạng, gia đình chị Pày thu nhập ổn định hơn, kinh tế gia đình khấm khá hơn.
Đồng bào dân tộc thiểu số khó thay đổi trong tư duy nhưng một khi đã đưa họ vượt qua được những "rào cản vô hình" ấy thì mục tiêu của việc lập ra những lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc coi như đã đạt được một nửa.
Các học viên dù đã cao tuổi, việc học tập có nhiều khó khăn hơn nhưng đổi lại đồng bào dân tộc học tập rất nghiêm túc. Có những học viên sau thời gian ngắn theo học tại lớp đã đạt được những thành tựu đáng kể. Có được con chữ, họ có thể nắm bắt được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đồng thời tự cập nhật cho mình được những kiến thức về kinh tế, xã hội phục vụ cho đời sống.
Giáo viên lớp xóa mù chữ Nguyễn Thị Mỳ (Trường TH và THCS xã Pa Thơm)
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/lop-hoc-xoa-mu-chu-giup-dong-bao-vung-cao-cai-thien-kinh-te-gia-dinh-20250523102447055.htm
Bình luận (0)