Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lúa rẫy - nguồn sống đại ngàn

Các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên như Xê Đăng, M’nông, Mạ, Êđê, J’rai, Cơ Tu, Gié - Triêng, Cor, Pa Kô, Bru Vân Kiều, Tà Ôi, Chăm Hroi... có tập quán canh tác nương rẫy từ lâu đời.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk25/05/2025

Gạo rẫy là nguồn lương thực chính để duy trì cuộc sống, nguyên liệu để chế biến thành các món ăn, thức uống phục vụ cuộc sống hằng ngày cũng như trong các lễ hội. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào cũng bám theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy…

Đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có những nghi lễ cúng, xin phép thần linh trong phát rẫy, tra hạt, gieo trồng, cầu mong cây lúa lên tốt tươi, trổ đòng chắt hạt, trĩu bông cho vụ mùa bội thu. Họ tin rằng qua lễ cúng nên thần Lúa, mẹ lúa phù hộ, chẳng những cho lúa gạo, hoa màu để ăn mà còn mang đến sự bình an, khỏe mạnh cho gia đình.

Để có những vụ mùa bội thu, đồng bào có nhiều nghi lễ cúng mẹ lúa và thực hành nhiều điều kiêng cữ liên quan đến hồn lúa. Hằng năm, khi lúa trên nương rẫy chín vàng, đồng bào bắt đầu vào mùa vụ thu hoạch và tổ chức lễ ăn mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới.

Hồn lúa cũng chính là hiện thân của hạt giống lúa. Các tộc người ở Bắc Tây Nguyên quan niệm rằng hồn lúa ngủ trong những tháng “ninh nơng” (tháng nghỉ ngơi sau vụ thu hoạch); đến ngày sấm ra đầu năm, ngày thần Sấm sét gọi thần Lúa thức dậy, cả làng lại bắt tay vào sản xuất. Đồng bào tổ chức đưa hồn lúa từ kho lên rẫy vào những ngày đầu phát đốt, chọc trỉa và đón hồn lúa từ rẫy về kho vào những ngày thu hoạch.

Bà con các dân tộc thường giã lúa bằng chày tay để tạo ra sản phẩm gạo đỏ đặc trưng.

Gạo rẫy (nếp và tẻ) được dùng để chế biến nhiều đồ ăn, thức uống, hình thành nên tập quán ẩm thực của các dân tộc. Nó được canh tác trên triền dốc, ngậm sương sa của đất trời nên có mùi thơm đặc trưng của núi rừng.

Đồng bào giã lúa bằng cối gỗ sơ qua cho bong lớp vỏ ngoài, gọi là “gạo đỏ” hay gạo lứt. Hạt gạo vẫn giữ nguyên lớp cám gạo, mầm gạo nên rất giàu dinh dưỡng, thường được dùng làm quà biếu, nấu cơm tiếp đãi khách quý, lễ vật dâng cúng thần linh trong các lễ nghi truyền thống.

Ngoài gạo tẻ, gạo nếp rẫy cũng là nguồn lương thực chính của các dân tộc. Đồng bào chế biến hạt gạo nếp thành nhiều món ăn khác nhau như xôi hong/hấp, xôi nấu ống (cơm lam), cốm dẹp, xôi ngũ sắc, bánh gói bằng lá đót... Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, khi ăn có mùi thơm rất hấp dẫn. Ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị của ống nứa rừng qua lửa. Cơm lam được nướng qua lửa than gọi là “xôi thui ống”, làm cho cháy sém lớp ngoài cùng, có hương vị thơm ngon.

Loại bánh đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn là bánh nếp gói bằng lá đót, gọi là bánh sừng trâu, bánh ốc. Đồng bào làm bánh sừng trong các dịp lễ hội như lễ ăn cơm mới, lễ cưới, khánh thành nhà mới hoặc làm bánh để ăn chơi, ăn lúc đi đường, đãi khách, tặng bà con... Loại bánh nếp giã trộn vừng, có tên gọi là a yớh, có vị ngọt, dẻo thơm. Đặc biệt, trong đám cưới bắt buộc phải có bánh a yớh, bởi vì khi có loại bánh này mới được tiến hành các nghi lễ tiếp theo. Đây cũng là món ăn vừa ngon vừa tiện lợi, có thể bảo quản được lâu ngày nên cũng được đồng bào làm nguồn thức ăn dự trữ như lương khô. Bà con thường mang theo vài miếng bánh này để lót dạ khi đi rừng, săn bắn hay lên nương rẫy.

Gạo rẫy đỏ đặc trưng sau khi giã bằng cối gỗ.

Các giống lúa rẫy không dùng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu nhưng vẫn phát triển tốt. Nhiều loại gạo rẫy trở thành sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, được giới thiệu, trưng bày tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp, lễ hội giao lưu văn hóa.

Tiêu biểu như giống lúa rẫy Ra dư của người Pa Kô ở huyện A Lưới (TP. Huế) là loại giống lúa quý hiếm, trở thành đặc sản. Hạt gạo có màu đỏ nhẹ, cơm nấu từ gạo Ra dư rất thơm ngon, không béo ngậy, ăn cảm giác rất bùi, không dẻo, không ớn, có vị ngọt nhẹ đặc trưng. Đồng bào còn gọi đây là giống “thóc thiêng”. Nó thường được dân bản dùng làm vật phẩm để cúng Yàng, cúng thần Lúa trong các dịp lễ hội của đồng bào. Loại gạo này cũng được người dân dùng để nấu cơm tiếp đãi khách quý, nhất là rể quý.

Hay giống lúa rẫy Bhaton của người Bhnoong, gạo đỏ Ra Ma của đồng bào Cor, gạo đỏ của người Ca Dong, Xê Đăng... là lễ vật dâng cúng thần linh, nấu cơm mời khách quý khi đến thăm làng nóc. Nhiều sản phẩm gạo rẫy được phát triển thành thương hiệu, là sản phẩm OCOP. Một số loại thức uống truyền thống của đồng bào được chế biến từ gạo rẫy như rượu cần, rượu nếp than, rượu nếp cẩm đã đưa vào danh mục sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương trong cả nước.

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/lua-ray-nguon-song-dai-ngan-4e00d0d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm