Thu hoạch lúa vụ đông xuân tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng -Ảnh: L.A
Đang thu hoạch 2 sào lúa còn lại, ông Nguyễn Tý ở Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Bình, huyện Hải Lăng cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình ông gieo cấy gần 10 sào với 2 giống lúa chủ lực là Khang Dân và HG12. Năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 2,5 - 2,8 tạ lúa tươi/ sào, thấp hơn vụ đông xuân năm trước gần 1 tạ/sào. Theo ông Tý, nguyên nhân năng suất lúa giảm là do năm nay xuất hiện các đợt lạnh kéo dài sau tết Nguyên đán, thời điểm lúa trổ bông lại gặp sương muối nên hạt lép nhiều.
“Từ lúc xuống giống đến khi lúa trổ bông thời tiết diễn biến rất phức tạp, lạnh kéo dài, gió mạnh nên ảnh hưởng khá nhiều đến cây lúa. Cũng diện tích này năm ngoái tôi thu được gần 4 tấn lúa nhưng năm nay chỉ được khoảng 3 tấn. Đặc biệt, không chỉ năng suất giảm mà giá lúa cũng giảm, chỉ còn khoảng 7.200 đồng/kg nên trừ chi phí thì lợi nhuận thu được không bao nhiêu”, ông Tý nói.
Còn tại HTX Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, đang chăm chú theo dõi máy cắt lúa trên thửa ruộng của mình, bà Phan Thị Yến cũng thất vọng cho biết, so với năm trước thì vụ đông xuân năm nay năng suất thu hoạch giảm khá nhiều. Nếu như năm trước trên diện tích 1 ha ruộng của gia đình bà Yến, với 2 giống lúa chủ lực là Khang Dân và HG244, năng suất thu hoạch đạt khoảng 4 tạ lúa tươi/sào, thì vụ đông xuân năm nay chỉ đạt khoảng 3 tạ lúa tươi/sào.
Thêm vào đó, giá thu mua lúa của thương lái hiện cũng đang ở mức thấp, chỉ từ 7.000 - 7.200 đồng/kg, trong khi năm trước lên đến 8.300 - 8.500 đồng/kg nên lợi nhuận giảm khá nhiều. “Năm nay cả giống và phân bón đều tăng hơn năm ngoái, chưa kể công chăm sóc, thu hoạch. Nếu như vụ đông xuân năm trước sau khi trừ chi phí tôi lãi được hơn 20 triệu đồng, còn năm nay chắc chỉ được khoảng 10 - 12 triệu đồng”, bà Yến cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương Võ Trung Hiếu cho biết, đến thời điểm này nông dân trên địa bàn xã đã thu hoạch được khoảng 200 ha trong tổng diện tích hơn 900 ha toàn xã. Qua thăm đồng, dự kiến năng suất thu hoạch đạt khoảng 66,4 tạ/ha, thấp hơn so với vụ đông xuân năm trước khoảng 1,7 tạ/ha.
Qua khảo sát của xã thì diện tích lúa trà đầu chỉ đạt năng suất khoảng 2,9 - 3 tạ lúa tươi/ha, trong khi lúa gieo cấy trà 2, 3 năng suất thu hoạch vẫn đạt gần 3,5 tạ/ha. Chưa kể giá thu mua lúa năm nay cũng giảm gần 1.300 - 1.500 đồng/kg nên lợi nhuận mang lại thấp hơn khá nhiều so với những vụ trước.
Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) huyện Hải Lăng Võ Chí Trương, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 1.500 ha trong tổng số gần 6.900 ha diện tích lúa đông xuân. Năng suất bình quân ước đạt khoảng 61,05 tạ/ ha, thấp hơn so với năm trước khoảng 6,2 tạ/ha. Hiện tại, huyện Hải Lăng đang chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ đông xuân, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai ngay vụ hè thu nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ cuối vụ.
Phó Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Hồng Phương cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 3.000 ha lúa đông xuân. Năng suất thu hoạch dự kiến khoảng 60 tạ/ha, chỉ thấp hơn một ít so với năm trước với khoảng 1,6 tạ/ha.
Theo bà Phương, nguyên nhân năng suất giảm chủ yếu là do phần lớn diện tích lúa gieo cấy trà đầu bị ảnh hưởng bởi mưa rét đầu vụ và nhất là giai đoạn trổ bông. Còn lại những diện tích lúa gieo cấy trà 2, 3 và trổ bông sau ngày 20/4 đều phát triển tốt. Hiện tại nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch từ nay đến ngày 15/5 và dự kiến hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân trước ngày 20/5.
Cũng theo bà Phương, do hiện nay đang là giai đoạn giao mùa, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa giông kèm theo lốc tố, gió giật mạnh nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản lượng, chất lượng lúa, quá trình thu hoạch và bảo quản lúa vụ đông xuân.
Do vậy các địa phương cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung nhân lực, phương tiện tiến hành thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ đông xuân khi vừa chín tới để phòng tránh lốc tố gây đổ ngã, mưa lớn gây ngập úng. Ngay sau khi thu hoạch xong, nông dân cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất sớm như cày ải, phơi ruộng, xử lý vôi, chế phẩm phân hủy gốc rạ để diệt trừ mầm mống sâu bệnh, hạn chế sự phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại nguy hiểm trong vụ hè thu như rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, nhện gié.
Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo gieo cấy vụ hè thu theo lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở NN&MT ban hành...
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/lua-vu-dong-xuan-nang-suat-giam-gia-thap-193574.htm
Bình luận (0)