Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu: Cần sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia

(PLVN) - Để luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 thực sự phát huy hiệu quả và bền vững, cần chú trọng đến việc xây dựng các quy định chi tiết, minh bạch, cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của tổ chức tín dụng (TCTD) và người đi vay (NĐV), đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam21/05/2025

Giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu

Luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng TCTD là một bước tiến quan trọng và cần thiết để giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu tại Việt Nam. Bằng việc tạo lập một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định và hiệu quả hơn cho công tác XLNX và thi hành tài sản bảo đảm (TSBĐ), đặc biệt là khôi phục và hoàn thiện cơ chế thu giữ TSBĐ, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ XLNX tồn đọng, giải phóng nguồn vốn cho nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng và củng cố niềm tin thị trường.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai Nghị quyết 42/2017, có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về XLNX và thi hành TSBĐ với một số nội dung cụ thể như sau:

Trước tiên, hoàn thiện quy định về quyền thu giữ TSBĐ. Theo đó, luật hóa quyền thu giữ TSBĐ của TCTD và tổ chức xử lý nợ (TCXLN) cần đi kèm với các quy định chi tiết, minh bạch về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện, gồm cả việc thông báo cho bên bảo đảm và các bên liên quan. Cần quy định rõ các trường hợp được phép thu giữ và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên bảo đảm trong quá trình thu giữ, không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội.

Tiếp đến là đẩy nhanh thủ tục tố tụng và thi hành án (THA). Chúng ta cần luật hóa các quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan TSBĐ tại tòa án. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan kê biên, xử lý TSBĐ trong quá trình THA dân sự, có sự phối hợp hiệu quả giữa TCTD và cơ quan THA.

Chúng ta cũng cần giải quyết rốt ráo các vướng mắc liên quan đến TSBĐ là vật chứng, tang vật. Theo đó, luật hóa quy định về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho TCTD để xử lý, với các điều kiện và thủ tục rõ ràng để không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc.

Song song với việc tăng quyền cho TCTD, cần bổ sung hoàn thiện các quy định bảo vệ NĐV, gồm quyền được thông báo đầy đủ, quyền đàm phán tái cơ cấu nợ, các biện pháp hỗ trợ với NĐV gặp khó khăn thực sự do nguyên nhân khách quan. Cần phân định rõ nợ xấu do lỗi khách quan và chủ quan để có ứng xử phù hợp. Rà soát sửa đổi các đạo luật liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật THA dân sự, Luật Đất đai...) để có sự thống nhất và đồng bộ với các quy định mới về XLNX trong Luật Các TCTD.

Cuối cùng là nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ thể. Các TCTD cần cải thiện quản trị rủi ro tín dụng, minh bạch hóa thông tin khoản vay và TSBĐ, có cơ chế hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Người dân và DN cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với đồng vốn vay. Cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp liên ngành để giải quyết các vụ việc liên quan TSBĐ một cách nhanh chóng và hiệu quả.

GS.TS Võ Xuân Vinh

GS.TS Võ Xuân Vinh

Nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc vay và trả nợ

Để bảo vệ tài sản một cách tốt nhất, minh bạch và công bằng, người dân và DN cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc vay và trả nợ, tuân thủ đầy đủ các cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Trước khi vay vốn, cần tìm hiểu kỹ về các điều khoản, lãi suất, phí và các quy định liên quan TSBĐ. Trong quá trình vay, cần chủ động theo dõi tình hình tài chính, có kế hoạch trả nợ rõ ràng và thông báo kịp thời cho TCTD nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ để cùng tìm hướng giải quyết.

Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các TCTD, tuân thủ pháp luật trong hoạt động cho vay và XLNX. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín dụng ngân hàng để nâng cao nhận thức. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực thi các quy định về thu giữ, xử lý TSBĐ để ngăn chặn tình trạng lạm quyền từ phía TCTD.

Việc hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các TCTD đánh giá chính xác hơn rủi ro tín dụng và người dân, DN nâng cao ý thức về lịch sử tín dụng của mình.

Tuy nhiên, để việc luật hóa quy định trong Nghị quyết 42 thực sự phát huy hiệu quả và bền vững, cần chú trọng việc xây dựng các quy định chi tiết, minh bạch, cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của TCTD và NĐV, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi chủ thể trong nền kinh tế.

XLNX không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngân hàng mà là trách nhiệm chung của mọi người và cộng đồng DN, người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tài chính - tín dụng lành mạnh, minh bạch và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Dự kiến ngày 22/5/2025, tại TP HCM, Báo Pháp luật Việt Nam - Văn phòng đại diện tại TP HCM sẽ tổ chức Tọa đàm “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu” với sự tham gia tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank, Cty CP Tập đoàn MCV, Cty CP Công nghệ Di Động Việt.

Chương trình dự kiến có sự tham gia của đại diện NHNN, Cục THADS, VKSND - TAND TP HCM cùng một số ngân hàng thương mại và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Chương trình sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, là diễn đàn để người dân, DN, các cơ quan, đơn vị bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc cũng như lợi ích khi luật hóa Nghị quyết 42/2017.

Nguồn: https://baophapluat.vn/luat-hoa-mot-so-quy-dinh-trong-nghi-quyet-422017qh14-ve-xu-ly-no-xau-can-som-hoan-thien-he-thong-thong-tin-tin-dung-quoc-gia-post549137.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm