Khi những hình ảnh của vũ khúc thiền môn hiện lên, chuyển động theo nền nhạc trên tường Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cảm giác về Phật giáo thời Lý trở nên gần gũi hơn rất nhiều với công chúng. Những hình ảnh đó là một phần của trưng bày chuyên đề "Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ", do bảo tàng và Viện Nghiên cứu văn minh châu Á thực hiện.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết trưng bày có những hiện vật tiêu biểu, được chọn lọc từ khối di sản Phật giáo thời Lý đang lưu giữ tại đây, chứa đựng những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời kỳ này. Trong đó có những hiện vật kiến trúc mang dấu ấn hoàng gia, hay hình tiên nữ múa, trang trí trên phần chân đế mô hình tháp bằng gốm men trắng (thế kỷ 12 - 13).
Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, trưng bày còn có những diễn giải và trình chiếu bằng các kỹ thuật 3D mapping, hologram, digital revival… để tái tạo di sản, mang tới cho người xem trải nghiệm hấp dẫn, sâu sắc hơn. Trưng bày có những clip về kiến trúc, hình ảnh xoay chiều của hiện vật, và cả điệu múa được cho là của Phật giáo thời Lý.
Điệu múa "trích" từ chân tảng
Việc tái hiện các hiện vật "tĩnh" thành những câu chuyện chuyển động vốn không xa lạ với PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn minh châu Á. Khi còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, ông từng kể câu chuyện về thú chơi chim cảnh ở Hoàng thành Thăng Long qua hình ảnh sau khi hiện vật lồng chim được các nhà khảo cổ phát hiện.
Vũ khúc được tái hiện
ẢNH: TRINH NGUYỄN
Tất nhiên, những đoạn hình ảnh nói trên không phải tự nhiên mà có hay do các chuyên gia "tự chế" ra. Hình ảnh của vũ khúc được ông Trí đưa ra dựa vào những hình ảnh trên các hiện vật thời Lý. Đó là chân tảng bằng đá (1057) tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), với bốn mặt được trang trí hình ảnh người đang tấu nhạc, cùng hình ảnh dâng hoa cúng Phật trong một nghi lễ Phật giáo. Trên mỗi mặt có người đánh trống khẩu, kéo nhị, thổi sáo, chơi cổ cầm, đánh sênh, dập phách, gẩy đàn tỳ bà, đàn nguyệt, thổi tiêu, đánh trống bồng... Hay hình ảnh từ tượng Kinnari đánh trống bằng đá (1057) cũng tại ngôi chùa trên. Bức tượng linh vật thần thoại trong Phật giáo và Ấn Độ giáo này tượng trưng cho tinh tú, vẻ đẹp, âm nhạc và nghệ thuật…
Những hình ảnh này, theo các nhà nghiên cứu, đã thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc, phản ánh sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo thời Lý và là tư liệu quý về nghi lễ Phật giáo, đời sống của cư dân đương thời.
Về các hiện vật được trưng bày, PGS-TS Bùi Minh Trí đánh giá: "Di sản nghệ thuật thời Lý, từ kiến trúc chùa tháp với những đường nét mềm mại, uyển chuyển như dáng rồng bay, đến những pho tượng Phật mang vẻ đẹp hiền hòa, từ bi, đều thấm đượm tinh thần Thiền tông dung dị mà sâu sắc, đồng thời phản ánh sự tiếp thu và hòa quyện tinh tế các ảnh hưởng từ nghệ thuật Chămpa, và đặc biệt là từ nền văn minh Đại Việt với các nước láng giềng phương Bắc".
Ông Trí cũng nói về âm nhạc và vũ đạo Phật giáo thời Lý: "Thời Lý, Phật giáo là quốc đạo, âm nhạc, vũ đạo trở thành phương tiện truyền bá giáo lý, thực hành các nghi lễ; nhạc khí và âm điệu ảnh hưởng từ các nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Hoa nhưng được Việt hóa sâu sắc. Các nghi lễ Phật giáo được tổ chức long trọng với âm nhạc trang nghiêm dưới sự bảo trợ của triều đình".
Theo các chuyên gia, âm nhạc và vũ đạo Phật giáo thời Lý còn là một hợp lưu độc đáo giữa truyền thống âm nhạc cung đình và các thực hành nghi lễ tôn giáo. "Mặc dù vậy, khối di sản văn hóa phi vật thể vô giá này vẫn chưa nhận được sự đầu tư nghiên cứu một cách hệ thống và chuyên sâu tương xứng với tầm vóc lịch sử và giá trị văn hóa của nó", PGS-TS Bùi Minh Trí nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lung-linh-vu-khuc-thien-mon-thoi-ly-185250516231024001.htm
Bình luận (0)