Ông Nguyễn Văn Lân-Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Trôi-cho hay: Từ năm 2020, HTX đã đầu tư máy xay xát gạo, hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP và thu mua về chế biến sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: gạo Ba Chăm, nếp nương, bột gạo và gạo ĐT. Cũng thông qua chương trình, sản phẩm gạo của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn gạo.
“Chương trình OCOP đã tạo điều kiện khôi phục, phát triển các giống lúa đặc trưng của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống. Đặc biệt, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm và quảng bá sản phẩm tại nhiều chương trình, sự kiện. Nhờ đó, người dân địa phương yên tâm sản xuất mà không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm”-ông Lân nói.

Huyện Mang Yang có 38 sản phẩm đặc trưng được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao. Nhiều sản phẩm đặc trưng như: gạo Ba Chăm, bộ sản phẩm chanh dây của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai, na rừng, mật ong rừng, gạo, các loại tinh dầu, măng le sấy khô, dược liệu… được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Để có được kết quả này, Tổ tư vấn Chương trình OCOP của huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ sản xuất kinh doanh, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng ý tưởng sản phẩm.
Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho các chủ thể đưa sản phẩm tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh; xây dựng 3 điểm bán hàng sản phẩm OCOP tại địa phương. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã được lên kệ các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, OCOP Gia Lai…

Trao đổi với P.V, ông Lê Lợi-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mang Yang-cho hay: Từ nguồn vốn của Chương trình OCOP và vốn địa phương, huyện đã hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất từng bước khai thác, chế biến các loại nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP, góp phần tạo sức bật trong phát triển kinh tế nông thôn.
Trong quá trình thực hiện, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn cho các chủ thể xây dựng hồ sơ, thiết kế mẫu mã logo, bảo hộ thương hiệu… nhằm giúp cho các sản phẩm tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
“Hiện nay, huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ thể đầu tư khai thác, chế biến nâng tầm các sản phẩm nông-lâm sản của địa phương thành sản phẩm đặc trưng. Phấn đấu trong năm 2025, huyện có thêm 17-18 sản phẩm mới như: tiêu đen, hạt mắc ca, gừng đen sấy khô… được công nhận OCOP.
Đồng thời, huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng kênh tiêu thụ nông-lâm sản đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể và người dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mang Yang thông tin.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/mang-yang-dau-tu-phat-trien-nong-san-dac-trung-post322181.html
Bình luận (0)