Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Miền Tây căng sức ngăn lửa, giữ rừng

Bước vào mùa khô 2024-2025, các huyện vùng cao phía Tây của tỉnh như Mù Cang Chải, Trạm Tấu đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở mức cao do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tập quán canh tác. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tăng cường tuần tra, tuyên truyền đến xây dựng hạ tầng phòng cháy, quyết tâm giữ vững màu xanh cho những cánh rừng đầu nguồn.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái23/04/2025


>> 

>> 


Nỗi lo "Giặc lửa"

Miền Tây Yên Bái, với đặc trưng địa hình núi cao, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, luôn là điểm nóng về cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô hanh kéo dài. Tại Mù Cang Chải, mùa đông giá rét với sương muối, băng giá ở các đỉnh núi cao khiến thảm thực vật chết khô, dễ bắt lửa; mùa khô đến, gió Lào thổi mạnh kết hợp với tập quán đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả của đồng bào Mông khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức "báo động đỏ". 

Năm 2024, Mù Cang Chải đã ghi nhận 5 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 4ha rừng. Tương tự, tại huyện Trạm Tấu, niên vụ 2024-2025 được dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp. 

Ông Lại Văn Quang - Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) huyện Trạm Tấu, chia sẻ nỗi lo: "Thời tiết năm nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Ngay từ đầu năm đã xuất hiện băng giá trên các đỉnh núi cao, dự báo mùa khô kéo dài và nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm”. 

Dù niên vụ 2023-2024, Trạm Tấu chỉ ghi nhận 3 vụ cháy với thiệt hại 6,53 ha nhờ các biện pháp chủ động, nhưng không vì thế mà công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) lại lơi là.

Chủ động phương án "4 tại chỗ"

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ cháy rừng hiện hữu, các địa phương miền Tây của tỉnh đã chủ động vào cuộc với tinh thần quyết liệt, không để bị động, bất ngờ. Tại Mù Cang Chải, hệ thống phòng ngừa được siết chặt. Huyện đã kiện toàn 14 Ban chỉ đạo PCCCR cấp xã với hơn 400 thành viên, đồng thời củng cố và thành lập mới 108 tổ đội xung kích tuần tra, bảo vệ rừng với gần 650 người dân tham gia. 

Ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc BQL RPH huyện Mù Cang Chải cho biết: "Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và chính quyền các xã thường xuyên tổ chức các buổi họp cộng đồng. Chúng tôi tập trung phổ biến kiến thức pháp luật, nêu rõ tác hại khôn lường của cháy rừng và các quy định nghiêm ngặt về đốt nương làm rẫy. Đặc biệt, việc tổ chức cho gần 12.000 hộ dân, chiếm 92% tổng số hộ, ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR”. 

Bên cạnh đó, việc phân chia ranh giới rõ ràng giữa các bản, các lô rừng và tu sửa gần 280km đường băng cản lửa đang tạo ra những "vành đai" hiệu quả, ngăn chặn cháy lan. Hàng trăm chòi canh lửa, lán tạm tại các điểm cao cũng được duy trì chế độ trực 24/7 để phát hiện sớm lửa rừng.

Ở Trạm Tấu, công tác PCCCR cũng được triển khai bài bản. Huyện đã kiện toàn 12 ban chỉ đạo cấp xã, thành lập 12 tổ đội cơ động (244 người) và 55 tổ đội PCCCR thôn bản (294 người), huy động sự tham gia của hơn 6.100 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. BQL RPH huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, xây dựng đường ranh, chòi canh, biển báo. 

Lực lượng kiểm lâm còn trực tiếp hỗ trợ người dân xử lý thực bì an toàn, tuân thủ quy trình đốt nương. Huyện cũng tăng cường cán bộ tại các xã trọng điểm, các địa bàn giáp ranh, duy trì trực ban, kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng để kịp thời tham mưu, chỉ đạo.

Gắn trách nhiệm người dân với rừng

Một điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các huyện miền Tây là việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tại xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải), người dân rất phấn khởi khi nhận được khoản tiền này hàng năm. 

Ông Chang A Sổng - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Rừng có vai trò vô cùng quan trọng, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho bà con sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo sinh kế, thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR. Khoản tiền này không chỉ cải thiện đời sống mà còn giúp tăng trách nhiệm của người dân trong việc giữ rừng. Chính quyền xã luôn phối hợp với kiểm lâm, Ban quản lý rừng tổ chức tuần tra, tuyên truyền, vận động bà con không đốt nương trong mùa khô và thành lập các tổ xung kích tại thôn bản sẵn sàng ứng phó khi có cháy”. 

Khoản tiền DVMTR không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ rừng mà còn được người dân sử dụng hiệu quả vào việc tái đầu tư sản xuất như mua giống cây trồng, vật nuôi, góp phần ổn định cuộc sống, giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Đây chính là cách tiếp cận bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Mùa khô vẫn đang ở giai đoạn cao điểm, nguy cơ cháy rừng còn tiềm ẩn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng và đặc biệt là ý thức, trách nhiệm ngày càng cao của người dân được gắn kết bởi lợi ích từ rừng, các huyện miền Tây Yên Bái đang xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc. 

Từ Mù Cang Chải đến Trạm Tấu, những "lá chắn xanh" đang được củng cố từng ngày. Công tác tuần tra, canh gác được tăng cường, đường băng cản lửa được phát dọn, các tổ đội xung kích sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Hùng Cường


Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349247/Mien-Tay-cang-suc-ngan-lua-giu-rung.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm