Chợ văn minh, an toàn
Sáng sớm, tại chợ thôn Đại Thượng (xã Đại Đồng), nhiều tiểu thương đội mũ, đeo tạp dề, găng tay dọn hàng. Trước các quầy đều có bảng cam kết “5 không, 3 sạch”, bảng niêm yết giá rõ ràng. Đây là chợ đầu tiên trong cả nước được chọn làm điểm triển khai mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm” từ giữa năm 2023. Ban đầu chỉ có khoảng 60 hộ kinh doanh tham gia, đến nay chợ thôn Đại Thượng đã có gần 70 hộ, trong đó hơn 80% đạt tiêu chí bảo vệ môi trường, hơn 64% bảo đảm an toàn thực phẩm...
Thành viên mô hình "Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm" chợ Kế (phường Bắc Giang) kinh doanh tại chợ. |
Để triển khai mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiến hành khảo sát hộ kinh doanh, tổ chức tập huấn, tham mưu chính quyền hỗ trợ kinh phí và vật tư; đồng thời lồng ghép nội dung tuyên truyền về mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đến hội viên. “Mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi không chỉ phổ biến kiến thức pháp luật mà còn chia sẻ cách nhận biết thực phẩm sạch, kỹ năng xử lý rác, phân loại hàng hóa. Đến nay, 100% tiểu thương tham gia mô hình đều giữ gìn vệ sinh điểm kinh doanh, tự thu gom, tập kết rác đúng nơi quy định”, đồng chí Đặng Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Đồng cho biết.
Trước đây, chợ Kế (phường Bắc Giang) từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tình trạng buôn bán lộn xộn, các quầy hàng không được quy hoạch theo từng khu vực, người dân bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, xả rác bừa bãi diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị và sức khỏe cộng đồng. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, từ tháng 7/2024, mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm” đã được triển khai tại chợ Kế với sự tham gia của hơn 80 hộ tiểu thương.
Các tiểu thương được tham dự 4 buổi tập huấn chuyên sâu về phân loại, thu gom rác thải đúng cách, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; được hướng dẫn nhận diện thực phẩm an toàn, cách bảo quản, trưng bày hàng hóa... đồng thời tham gia sinh hoạt định kỳ gắn với hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo sự gắn kết, góp phần thay đổi hành vi một cách bền vững. Đây là một trong những mô hình điểm của thành phố Bắc Giang (trước đây) trong xây dựng nếp sống văn minh thương mại và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Đến nay, chợ Kế đã có nhiều chuyển biến rõ nét: Môi trường kinh doanh sạch sẽ, hàng hóa được bày biện gọn gàng, phân khu hợp lý; rác thải được thu gom đúng nơi quy định. Nhiều hộ trước đây bày bán lấn chiếm lối đi, nay đã tự giác dọn dẹp, sắp xếp lại quầy hàng. 100% thành viên đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định, kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều tiểu thương chủ động liên kết với hợp tác xã nông nghiệp, nhà vườn uy tín để bảo đảm nguồn thực phẩm đầu vào ổn định, an toàn và có truy xuất nguồn gốc. Tình hình vệ sinh tại chợ có nhiều chuyển biến tích cực, các hộ thuộc mô hình có biển nhận diện khu bán hàng an toàn, bảng cam kết về nguồn gốc thực phẩm, tủ kính, túi sinh học... Chị Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố Phú Mỹ 1 chia sẻ: “Trước kia đi chợ, tôi hay lo lắng về thực phẩm không rõ nguồn gốc. Từ khi có mô hình chợ an toàn, tôi yên tâm hơn nhiều. Các quầy có biển hiệu rõ ràng, tiểu thương đeo găng tay, mặc đồng phục, giá cả minh bạch”.
Từng bước nhân rộng mô hình
3 tiêu chí của mô hình "Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm" gồm: An toàn thực phẩm (không kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn; thực phẩm phải có bao gói, bảo quản đạt chuẩn). Bảo vệ môi trường (phân loại rác thải, không xả thải bừa bãi; sử dụng túi sinh học, dụng cụ đựng hợp vệ sinh). Văn hóa giao thương (giao tiếp lịch sự, niêm yết giá rõ ràng, không nói thách, không chèo kéo khách). |
Toàn tỉnh có gần 240 chợ dân sinh, chợ đầu mối trong đó có khoảng 180 chợ kinh doanh thực phẩm là chủ yếu. Qua đánh giá, sau 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 mô hình “Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm” với hơn 400 hộ thành viên tham gia. Các mô hình không chỉ tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, việc làm của tiểu thương mà còn tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từng bước hướng đến xây dựng chợ truyền thống hiện đại, an toàn, bền vững.
Dù đạt kết quả tích cực, mô hình vẫn gặp không ít khó khăn như: Do kinh phí hạn hẹp, nhiều chợ tạm chưa có hạ tầng phù hợp; vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Cùng đó, nhận thức của một số hộ kinh doanh về ý nghĩa của việc triển khai mô hình còn hạn chế...
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/mo-hinh-cho-bao-dam-an-toan-thuc-pham-xay-dung-nep-song-van-minh-thuong-mai-postid421686.bbg
Bình luận (0)