Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mở ra “hành lang công bằng” để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai

NDO - Theo đại biểu Quốc hội, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí, với diện thụ hưởng được mở rộng, sẽ mở ra một “hành lang công bằng” để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân22/05/2025

Chính sách miễn học phí cần song hành với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục

Phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông thuộc các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đây là một chủ trương lớn, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sinh động bản chất ưu việt của chế độ ta, và là bước tiến dài trên hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) nêu rõ, khác với các quy định rải rác trong Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP - vốn chỉ quy định miễn, giảm học phí với một số nhóm đối tượng, dự thảo Nghị quyết lần này mở rộng diện thụ hưởng gồm: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên và đặc biệt cả học sinh các cơ sở tư thục, dân lập.

Mở ra “hành lang công bằng” để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội dự thảo luận tổ. (Ảnh: BÙI GIANG)

“Chính sách này không chỉ xóa bỏ rào cản tài chính cho người học mà còn bảo đảm sự công bằng giữa trường công và trường tư, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa học sinh chính quy và không chính quy”, đại biểu nhấn mạnh.

Về kinh phí và điều kiện bảo đảm thực thi, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng chi phí ngân sách cần bổ sung để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí là khoảng 8.200 tỷ đồng mỗi năm, trong đó Hà Nội - với quy mô dân số lớn, mật độ trường học cao - chắc chắn là địa phương chịu áp lực lớn về ngân sách.

Tuy nhiên, đại biểu khẳng định đây là khoản đầu tư đúng, trúng và xứng đáng, bởi không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình - nhất là sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang - mà còn có tác động lan tỏa đến tiêu dùng xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ, tạo nền tảng cho nguồn nhân lực tương lai.

Về tác động dài hạn, chính sách này mở ra một “hành lang công bằng” để chúng ta tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai.

“Giáo dục miễn phí không chỉ là chính sách xã hội, mà còn là một cam kết đạo lý, thể hiện tầm nhìn phát triển. Khi học sinh phổ thông không phải đóng học phí, người học sẽ có điều kiện tiếp cận tri thức đồng đều hơn, giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh kinh tế, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, nơi phân tầng thu nhập diễn ra sâu sắc”, đại biểu Sơn nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần song hành chính sách miễn học phí với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục. Đồng thời, rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh, cấp xã/phường.

Cần lộ trình triển khai và thứ tự ưu tiên hợp lý để tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, chính sách miễn, hỗ trợ học phí phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức như phân hóa giàu nghèo, áp lực chi phí sinh hoạt, và nhu cầu nâng cao năng suất lao động để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Trong điều kiện thu nhập của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn và miền núi, vẫn còn thấp, thì việc miễn học phí có ý nghĩa thiết thực, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính, chống bỏ học, và tạo điều kiện để mọi trẻ em đều được đến trường.

Để triển khai hiệu quả, đại biểu nêu ba nhóm vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Trước hết, cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách cần được thiết kế chặt chẽ, minh bạch.

Mở ra “hành lang công bằng” để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu ý kiến trong phiên thảo luận. (Ảnh: BÙI GIANG)

Theo đại biểu, mức kinh phí dự kiến khoảng 9 nghìn tỷ đồng mỗi năm là không nhỏ. Do đó, việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách.

Việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là cần thiết, nhưng cần có khung hướng dẫn thống nhất từ Trung ương để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, nhất là những tỉnh còn khó khăn về ngân sách.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có lộ trình triển khai và thứ tự ưu tiên hợp lý. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nên ưu tiên trước cho các cấp học phổ cập - đặc biệt là trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đối với học sinh mầm non (dưới 5 tuổi) và trung học phổ thông, có thể tính toán lộ trình phù hợp để mở rộng dần phạm vi miễn và hỗ trợ học phí, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách.

Một vấn đề nữa được đại biểu Nga nhấn mạnh là việc bảo đảm công bằng giữa học sinh trường công lập và ngoài công lập, giữa các mô hình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo đề xuất hiện nay, học sinh trường công lập sẽ được miễn toàn bộ học phí, trong khi học sinh tại các cơ sở ngoài công lập sẽ được hỗ trợ học phí, với phần kinh phí cấp trực tiếp cho người học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, học phí của trường ngoài công lập thường cao hơn rất nhiều so với trường công lập, do không nhận được đầu tư cơ sở vật chất và lương từ ngân sách Nhà nước.

Nếu không có quy định cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng một học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí cao hơn mức miễn học phí của học sinh trường công lập. Đây là điều cần đặc biệt lưu ý để tránh nghịch lý chính sách và bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn lực ngân sách.

Đại biểu đề nghị quy định rõ nguyên tắc: Mức tiền hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không vượt quá mức học phí được miễn tại các cơ sở giáo dục công lập tương ứng về cấp học và địa bàn. Đồng thời, để thực hiện tốt chính sách này, Nhà nước cần xây dựng và ban hành mức học phí chuẩn cho từng cấp học, từng năm học - làm căn cứ để tính toán mức miễn và mức hỗ trợ phù hợp, thống nhất giữa các loại hình trường và giữa các địa phương.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng chính sách hỗ trợ học phí chỉ là một phần của bức tranh tổng thể; cần xem xét đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập, như: ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng ưu đãi, hay hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. “Chỉ khi nào cả hệ thống giáo dục - cả công lập và ngoài công lập - cùng được hỗ trợ để nâng cao chất lượng, thì quyền học tập của người dân mới thực sự được bảo đảm một cách công bằng và bền vững”, đại biểu nêu rõ.

Nguồn: https://nhandan.vn/mo-ra-hanh-lang-cong-bang-de-tien-toi-pho-cap-giao-duc-12-nam-trong-tuong-lai-post881617.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm