Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về việc xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng với sản phẩm chủ lực, đặc sắc, mang bản sắc văn hóa của Hải Phòng, ưu tiên thu hút các dự án tiêu biểu về đô thị, dịch vụ và du lịch dọc bờ sông; thực hiện đề án phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, du lịch đường sông (river tourism) đã được khai thác từ lâu trên thế giới, nhưng việc nghiên cứu về loại hình du lịch này còn tương đối hạn chế. Trên thế giới, nhiều nước đã và đang phát triển du lịch đường sông thành công như Thụy Sỹ, Pháp, Úc, Thụy Điển, Ý, Trung Quốc, Thái Lan... Ở Việt Nam, nói đến du lịch đường sông, nhiều người thường nghĩ ngay đến du lịch sông Nho Quế (Hà Giang), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), sông Hương (Huế), sông Hàn (Đà Nẵng), sông Hoài (Hội An) và sông Hậu (Cần Thơ) nhưng chưa ai nói đến du lịch đường sông ở Hải Phòng.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo
Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng, Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trên thành phố có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 con sông chính, nổi tiếng nhất là: sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình.
Những dòng sông ở Hải Phòng từ lâu đã trở thành những "chứng nhân" của lịch sử. Bạch Đằng Giang là dòng sông huyền thoại, linh thiêng và hào hùng vào bậc nhất Việt Nam, nơi gắn liền với 3 trận đại chiến lừng lẫy. Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai xán lạn của thành phố. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai phát biểu tại hội thảo
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai hy vọng rằng, sau buổi hội thảo này, mọi người sẽ có góc nhìn khác về du lịch đường sông Hải Phòng, sẽ góp phần định vị du lịch đường sông Hải Phòng trở thành sản phẩm thế mạnh đặc trưng, mang tầm quốc gia và quốc tế.
Tại hội thảo, PGS.TS Dương Văn Sáu, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, Thành phố Hải Phòng sở hữu mạng lưới sông ngòi phong phú, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giao thông và đời sống văn hóa của địa phương. Do đó, du lịch đường thủy Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch đường thủy cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thành phố. Những vấn đề về xây dựng điểm đến du lịch; phát triển các tuyến du lịch đường thủy nội địa trên sông, du lịch ven biển... cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ du lịch như bến cảng, các phương tiện vận chuyển đường thủy cùng với hệ thống dịch vụ tương thích, đồng bộ trên từng phương tiện vận chuyển và tại các điểm đến tham quan, lưu trú du lịch... Đó là những vấn đề đặc biệt quan trọng đặt ra khi muốn phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Để phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng, theo PGS.TS Dương Văn Sáu cần phải có chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học, đồng bộ, cụ thể. Bao gồm các công việc, như: Đầu tư nâng cấp bến cảng du lịch chuyên biệt, phát triển đội tàu du lịch hiện đại. Nâng cấp và khai thác hiệu quả các bến tàu hiện có. Cải thiện hạ tầng bến tàu du lịch như Bến Bính, Bến Tam Bạc, Bến Đồ Sơn để đáp ứng nhu cầu du khách. Mở rộng và nâng cấp chất lượng bến tàu Cát Bà, Đình Vũ để đón tàu du lịch lớn, kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế. Bổ sung các điểm neo đậu du thuyền tại Vịnh Lan Hạ, Đồ Sơn để phát triển du thuyền nghỉ dưỡng.
Xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng (du thuyền trên sông Cấm, trải nghiệm làng chài, ẩm thực trên biển...). Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy. Tạo điểm nhấn văn hóa và sinh thái khám phá thiên nhiên và sinh thái. Bao gồm việc tham quan các khu vực bảo tồn sinh thái, các hoạt động quan sát động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoặc các loài thủy sinh trong các khu vực rừng ngập mặn. Tôn vinh văn hóa cư dân Hải Phòng bằng việc các con tàu có thể tổ chức các chương trình giới thiệu văn hóa Hải Phòng, như các buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian, âm nhạc truyền thống, hay kể chuyện lịch sử địa phương cho du khách trong suốt chuyến đi.
Liên kết với các địa phương lân cận để phát triển du lịch thủy xuyên vùng. Tạo liên kết vùng với Hạ Long, Ninh Bình để phát triển các tour du lịch đường thủy xuyên tỉnh. Phát triển các tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Ninh Bình. Xây dựng tour trải nghiệm kết hợp vịnh Lan Hạ, vịnh Hạ Long, Tràng An. Tuyến Hải Phòng - Hà Nội bằng đường thủy: Phát triển tuyến sông nối từ Hải Phòng đến Hà Nội qua sông Hồng.
Đề xuất một số sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thúc đẩy du lịch đường thủy Hải Phòng, ông Nguyễn Quý Phương, lãnh đạo Phòng Quan hệ quốc tế và Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), cho rằng Hải Phòng cần phát triển đa dạng các tour, tuyến theo chuyên đề như lịch sử - về nguồn, trải nghiệm văn hóa kết hợp thưởng ngoạn phong cảnh trên sông, tham quan các khu du lịch sinh thái, làng nghề, nhà vườn như:
Tuyến du lịch nội đô bằng đường sông: Kết nối từ trung tâm thành phố qua các sông Cấm - Lạch Tray - sông Tam Bạc, giới thiệu về lịch sử hình thành thành phố, trải nghiệm không gian văn hóa - kiến trúc đặc trưng.
Tuyến du lịch kết nối liên tỉnh: Hải Phòng - Bạch Đằng Giang - Yên Tử - Hạ Long bằng đường thủy, tạo thành chuỗi du lịch tâm linh - sinh thái - biển đảo.
Tuyến du lịch khám phá đảo và biển: Xuất phát từ cảng Cát Bà, Đồ Sơn, kết hợp tour ngắm hoàng hôn trên vịnh, câu mực đêm, trải nghiệm đời sống ngư dân.
Để nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá thị trường khách du lịch đường thủy tại Hải Phòng, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng công tác chuyển đổi số hoạt động xúc tiến, quảng bá phải triển khai đa dạng, linh hoạt. Xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy, bản đồ số các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến. Liên kết chặt chẽ với các hình thức du lịch khác và tăng cường triển khai các chiến dịch marketing số hướng đến các thị trường mục tiêu trên các nền tảng số. Đẩy mạnh marketing số trước, trong và sau chuyến đi, hỗ trợ khách xây dựng chương trình du lịch.
Ngoài ra tăng cường hợp tác với doanh nghiệp lữ hành và các hãng tàu du lịch nội địa và quốc tế khai thác các tour chuyên đề, kết nối khách từ tàu biển lớn đến các tour đường sông ngắn ngày tại Hải Phòng; Tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông, kết hợp các hoạt động trải nghiệm, các chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc; Tổ chức đón các đoàn famtrip/presstrip nước ngoài và quan hệ công chúng…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh hoan nghênh sáng kiến tổ chức buổi hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng - Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp”. Đây là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, thiết thực để cùng tìm giải pháp xây dựng thương hiệu cho du lịch đường sông Hải Phòng trong bối cảnh mới.
Sau khi nghe ý kiến tham luận của các chuyên gia tại hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, các báo cáo và ý kiến thảo luận đã làm rõ nội hàm của khái niệm du lịch đường thủy, du lịch đường sông; đặc điểm của du lịch đường thủy; các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch đường thủy; xu hướng phát triển của du lịch đường thủy ở Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời khẳng định Hải Phòng có đủ cơ sở lý thuyết và thực tiễn để phát triển du lịch đường thủy.
Về nhận diện các điểm nghẽn và định hướng phát triển, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng các báo cáo và ý kiến thảo luận đã nhận diện khá rõ 5 điểm nghẽn cản trở sự phát triển của du lịch đường thủy Hải Phòng. Đó là các điểm nghẽn về nhận thức, về thể chế, về hạ tầng, về cảnh quan môi trường và về điểm đến.
Về kiến nghị chính sách, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng chính quyền thành phố cần cung cấp các gói ưu đãi về giá thuê đất, hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch đường thủy cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy; Giảm chi phí thuê bến cảng, bến tàu cho các công ty khai thác dịch vụ du lịch, hạ tầng dịch vụ gắn với du lịch đường thủy (kể cả các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí....); làm rõ lĩnh vực đầu tư công, lĩnh vực thu hút đầu tư tư.
Về đề xuất các giải pháp, du lịch đường thủy Hải Phòng có đủ điều kiện để trở thành sản phẩm du lịch chủ lực, một số tuyến điểm có khả năng phát triển thành sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Hội thảo đã đề cập các giải pháp về thể chế, hạ tầng, phương tiện, môi trường và cảnh quan, quy hoạch, phát triển các điểm đến ven sông, xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên vùng, đào tạo nhân lực.
Trong đó, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đến nhóm giải pháp số 6 về xây dựng sản phẩm, điều mà du khách kỳ vọng được trải nghiệm trong hành trình khám phá của họ. Xây dựng sản phẩm phong phú, chất lượng, đáp ứng được các nhu cầu thị hiếu đa dạng của khách hàng là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm, mô hình phát triển du lịch đường thủy ở một số nước kết hợp chặt chẽ với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra sản phẩm có tính đặc thù, chú ý đến các yếu tố phát triển sản phẩm đa dạng gắn liền du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực trong phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng. Bên cạnh đó, việc xây dựng sản phẩm cần chú trọng đến công tác khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường liên kết vùng và đặt biệt là công tác quảng bá, xúc tiến.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tiếp thu kết quả Hội thảo để xây dựng Đề án và các Dự án phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng, góp phần định vị du lịch Hải Phòng trên bản đồ quốc gia và quốc tế, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh của Thành phố Hoa phượng đỏ.
Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/mo-ra-huong-di-phat-trien-san-pham-du-lich-duong-thuy-o-hai-phong-2025042310375453.htm
Bình luận (0)