Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương (phường Mạo Khê) được thành lập từ năm 2019. Trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật phát triển toàn diện thông qua giáo dục đặc biệt, can thiệp sớm và các hình thức trị liệu chuyên biệt.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã tích cực đồng hành cùng các bậc phụ huynh trong việc tư vấn, giáo dục và định hướng tương lai cho trẻ khuyết tật. Một mô hình nổi bật tại đây là chương trình dạy nấu món ăn chay giúp học sinh khuyết tật lớn tuổi rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội cho các em tự lập trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương, chia sẻ: Chúng tôi luôn ưu tiên lựa chọn những mô hình nghề nghiệp nhân văn, phù hợp với năng lực của học sinh và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Qua khảo sát thực tế, các nghề như pha chế, phục vụ bàn là những lựa chọn bền vững, phù hợp với khả năng và nhu cầu thị trường.
Cuối tháng 6/2025, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh tổ chức chương trình giới thiệu mô hình hướng nghiệp dành cho học sinh khuyết tật. Trong chương trình, với sự đồng hành của giáo viên và tình nguyện viên, học sinh khuyết tật đã tự tay chế biến các món ăn chay. Những sản phẩm này được đánh giá cao về hương vị, hình thức và sự đa dạng, nhận được nhiều lời khen từ khách mời, cũng như người dân tham dự.
Nhận thấy tiềm năng từ thị trường, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương cũng đang mở rộng việc cung cấp món chay đến những cá nhân và tổ chức có nhu cầu. Mô hình không chỉ giúp học sinh khuyết tật rèn kỹ năng, mà còn từng bước tạo dựng sinh kế bền vững, được cộng đồng nhiệt tình ủng hộ.
Tại phường Hạ Long, Trung tâm Công tác xã hội Thành An cũng là một cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ khiếm thính. Hiện trung tâm đang tiếp nhận khoảng 30 trẻ khuyết tật trong độ tuổi 14-18, đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ngoài chương trình học văn hóa phù hợp, học sinh khuyết tật còn được đào tạo nghề như gội đầu, pha chế đồ uống, xoa bóp, bấm huyệt, làm nail... Đây đều là những nghề thực tiễn, giúp các em có thể tự tin hơn khi bước vào đời. Với cách tiếp cận linh hoạt, nhân văn, Trung tâm Công tác xã hội Thành An đang từng bước giúp trẻ khuyết tật khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
Tại Quảng Ninh hiện có hơn 23.000 người khuyết tật, trong đó khoảng 3.000 trẻ em khuyết tật (chiến 13% tổng số người khuyết tật toàn tỉnh). Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, trong đó có những chính sách cao hơn mức quy định chung, song công tác giáo dục hướng nghiệp và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn.
Trong giai đoạn 2019-2024, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đã huy động và phân bổ hơn 21,9 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa để thực hiện công tác bảo trợ, trong đó có hướng nghiệp và đào tạo nghề. Hội cũng đã kết nối, giới thiệu việc làm cho hàng trăm người khuyết tật tham gia các hoạt động tạo sinh kế; đồng thời phối hợp với các trung tâm, cơ sở như Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương, Trung tâm Công tác xã hội Thành An, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh... để xây dựng các mô hình đào tạo nghề phù hợp và hiệu quả.
Ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh, cho biết: Trước mắt, chúng tôi chọn Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương và Trung tâm Công tác xã hội Thành An làm điểm để triển khai mô hình giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Cả hai đều có đội ngũ chuyên môn vững, cơ sở vật chất đảm bảo và phương pháp tiếp cận phù hợp. Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, đề xuất cơ chế hỗ trợ nghề nghiệp cho các cơ sở này. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh có giải pháp sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật tỉnh.
Những nỗ lực từ các trung tâm, tổ chức xã hội và cộng đồng đang từng bước mở ra cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh con đường của sự tự lập, tự tin và hòa nhập trọn vẹn vào cuộc sống.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/mo-rong-co-hoi-huong-nghiep-cho-tre-khuyet-tat-3366268.html
Bình luận (0)