Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp
Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng hiện hữu có tổng diện tích đất hơn 2.000 ha. Với những lợi thế và ưu điểm có được, KCN này là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó khoảng 1.000 ha đất phát triển công nghiệp, còn lại là đất dịch vụ và đô thị. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc mở rộng KCN Bàu Bàng thêm 1.000 ha. Với việc mở rộng này, quy mô diện tích của KCN Bàu Bàng sẽ lên tới trên 3.000 ha. Phần diện tích mở rộng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư vào KCN.
Với quy mô lớn, KCN Bàu Bàng mở rộng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, logistics và công nghiệp phụ trợ. Thực hiện theo định hướng của tỉnh và chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc, huyện Bàu Bàng đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư. Đây cũng là địa phương được phê duyệt quy hoạch diện tích KCN tăng 6,2 lần so với diện tích KCN hiện nay. Ngoài KCN Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng mở rộng, KCN Cây Trường, trên địa bàn huyện còn có KCN Tân Bình, KCN Lai Hưng cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bàu Bàng, các KCN trên địa bàn đã và đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho địa phương. Từ đó giúp địa phương phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm trên 21% trong những năm qua. Các KCN trên địa bàn huyện có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… kết nối thông suốt đến TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Long An, khu vực Tây nguyên. Với lợi thế đó, KCN Bàu Bàng tạo được sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc mới, hiện đại hơn; mở rộng nhà máy sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, có thể kể đến như Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), Công ty TNHH Ecco Việt Nam, Công ty TNHH Giant Manufacturing Việt Nam…
Tạo thêm cơ hội phát triển
Huyện Bàu Bàng được định hướng phát triển thành vùng động lực phát triển, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp phía bắc của Bình Dương. Trong phương án quy hoạch, lãnh đạo UBND tỉnh nhận định Bàu Bàng là địa phương giàu nội lực, có đòn bẩy tốt và hoàn toàn tiến xa hơn nữa trong tương lai gần. Xét riêng về tốc độ hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối và thu hút vốn đầu tư vào các KCN, đã mang đến những thành quả vượt bậc cho huyện để chính thức trở thành trung tâm công nghiệp mới.
Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng đặt tại thị trấn Lai Uyên, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng và xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng với diện tích 1.000 ha (trong đó trên 892 ha thuộc huyện Bàu Bàng, gần 108 ha thuộc huyện Dầu Tiếng). Dự án do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.500 tỷ đồng. |
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho hay các KCN do tổng công ty đầu tư nói chung và các KCN tại huyện Bàu Bàng nói riêng đang được phát triển theo mô hình KCN thế hệ mới. Ngoài việc cung cấp đầy đủ hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật và xã hội, các KCN được mở rộng về hiệu quả và tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành KCN để hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư. Xuất phát từ mong muốn xây dựng hệ sinh thái mới - KCN thông minh - sinh thái, từ năm 2023 đến nay, Becamex đã đồng hành với Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển KCN sinh thái theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ và theo khung KCN sinh thái quốc tế cho các KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Cây Trường…
“Việc nghiên cứu sự phát triển các KCN sinh thái ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút đầu tư nước ngoài và tiết kiệm chi phí. Bằng cách thiết lập KCN sinh thái được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Phạm Ngọc Thuận nói.
Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đang tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ để thu hút các dự án đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Với định hướng phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1”: KCN - khu đô thị - khu dịch vụ, Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, góp phần tạo lực đẩy thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
NGỌC THANH - THANH TUYỀN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/mo-rong-khu-cong-nghiep-bau-bang-don-co-hoi-moi-a346984.html
Bình luận (0)