Nông dân ở Phú Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, tạo ra nhiều mô hình cho thu nhập cao |
Ông Hồ Văn Phân ở bản Phúc Lộc (xã Xuân Lộc - Phú Lộc) là một trong những hộ tiên phong trong mô hình trồng cây tràm gió, với diện tích gần 1ha. Phương thức được ông Hồ Văn Phân thực hiện là trồng xen trong rừng keo tỉa thưa. Đến nay, số diện tích tràm gió này đã cho thu hoạch. Ông chia sẻ, 1ha tràm gió trồng thuần chủng bình quân trên dưới 18 nghìn cây, cho sản lượng từ 1,5 đến 2kg lá/cây, càng về sau sản lượng càng cao. Giá thành sản phẩm trên thị trường hiện nay dao động từ 4.500 đồng đến 5.000 đồng/kg lá. Như vậy, con số nguồn thu ước tính vào khoảng 160 - 180 triệu đồng/ha/lứa, một năm có thể thu hoạch 2 lứa lá.
Hộ nông dân Nguyễn Đức Hòa ở thôn Phụng Sơn (xã Xuân Lộc) cũng là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế vùng gò đồi ở địa phương. Được các cấp hội nông dân (HND) và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện hỗ trợ, ông Hòa đã quy hoạch vùng sản xuất với đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gồm: 1ha hồ tiêu, 3ha bưởi da xanh, hơn 1ha sầu riêng, 5 sào thanh long ruột đỏ và gần 10 sào dưa hấu. Chưa kể diện tích rừng kinh tế, thu nhập của gia đình ông từ trồng trọt ước tính mỗi năm khoảng 180-200 triệu đồng.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho hay, với đặc điểm là xã vùng gò đồi có tổng diện tích 4.382ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm đến 3.878ha, địa phương xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia trại, trang trại là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, các cấp HND đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng sản xuất các cây trồng chủ lực của địa phương như rừng keo, cây dược liệu, cây ăn quả… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Khi mới bắt tay vào xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư, hội viên nông dân Hoàng Văn Thơ ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) bước đầu gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, khâu kỹ thuật. Song, với sự giúp đỡ của các cấp HND thông qua các nguồn quỹ hỗ trợ, mô hình trồng nấm bào ngư xám của ông Hoàng Văn Thơ đã hình thành và đem lại lợi ích kinh tế cao cho gia đình.
Ông Hoàng Văn Thơ cho hay, với quy mô khoảng 35.000 bịch phôi trồng nấm sẽ cho năng suất bình quân từ 250g đến 300g nấm trong vòng đời mỗi bịch phôi. Hiện nay, giá bán loại nấm này dao động từ 55 - 60 nghìn đồng/kg; có thể thu về trên 300 trăm triệu đồng mỗi chu kỳ nấm từ 4 đến 6 tháng trên diện tích khoảng 350m2.
Theo bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc, trên địa bàn huyện hiện có nhiều mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế khá cao như: nuôi cá lóc nhím, cá chình trong bể xi măng, nuôi lợn lai, trồng cây dược liệu, cây dứa… có quy mô gia trại, trang trại. Đây là thành quả sau quá trình đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên nông dân của các cấp HND trên địa bàn huyện nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Qua đánh giá của các cấp ủy, chính quyền, các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Do đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất nhằm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-theo-huong-gia-trai-nong-trai-153598.html
Bình luận (0)