Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Mỏ vàng" trong rác điện tử

Công nghệ mới chiết xuất vàng từ rác điện tử bằng hợp chất thân thiện môi trường, hứa hẹn giải pháp tái chế hiệu quả và an toàn.

Báo Khoa học và Đời sốngBáo Khoa học và Đời sống02/07/2025

Nhóm nghiên cứu do Đại học Flinders (Australia) đứng đầu đã phát triển thành công quy trình thu hồi vàng từ các nguồn phức tạp như bảng mạch máy tính, thiết bị điện tử cũ, tinh quặng và chất thải kim loại hỗn hợp. Thay vì dùng cyanide hay thủy ngân độc hại, phương pháp mới sử dụng axit trichloroisocyanuric (TCCA) – một chất hóa học phổ biến trong xử lý nước hồ bơi – kết hợp cùng một loại polymer đặc biệt giàu lưu huỳnh để hấp thụ vàng chọn lọc.

Quá trình chiết xuất diễn ra trong điều kiện nước muối nhẹ, không sinh khí độc và có thể tái sử dụng polymer nhiều lần. Nhờ đó, phương pháp này không chỉ an toàn cho con người và môi trường mà còn có chi phí thấp hơn đáng kể so với kỹ thuật hiện hành.

1751166752-vne-gold-2068-3755-2136-width680height408.jpg
Linh kiện điện tử cũ là nguồn chứa vàng tiềm năng trong quá trình tái chế rác thải công nghệ. Ảnh: Earth.com

Đáng chú ý, kỹ thuật mới đã được thử nghiệm trên các bộ phận CPU và RAM từ rác điện tử thật. Nhóm nghiên cứu hiện đang hợp tác cùng các đối tác tại Mỹ và Peru để mở rộng ứng dụng công nghệ sang lĩnh vực khai thác vàng thủ công – nơi mà việc sử dụng thủy ngân đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt tại các mỏ quy mô nhỏ ở châu Á và Mỹ Latin.

Trong bối cảnh rác điện tử toàn cầu tiếp tục tăng nhanh, giải pháp tái chế sạch như trên được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực. Báo cáo Global E-waste Monitor 2024 do Liên Hợp Quốc công bố cho biết, chỉ trong năm 2022, thế giới tạo ra hơn 62 triệu tấn rác điện tử. Con số này có thể đạt 82 triệu tấn vào năm 2030 nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả. Chỉ chưa đến 25% số đó được tái chế đúng cách.

Riêng tại châu Á, nơi phát sinh gần một nửa lượng rác điện tử toàn cầu, phần lớn quy trình tái chế hiện vẫn dựa vào hệ thống phi chính thức, với nhiều nguy cơ về sức khỏe và ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tại các khu vực như chợ Nhật Tảo (TP.HCM) hay các làng nghề ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, hoạt động thu gom, tháo dỡ và tái chế rác điện tử diễn ra hàng ngày nhưng thiếu thiết bị bảo hộ và công nghệ xử lý an toàn.

Theo các chuyên gia, việc chuyển giao công nghệ chiết xuất vàng an toàn như phương pháp nói trên sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực tái chế, vừa giảm thiểu rủi ro ô nhiễm, vừa tạo thêm giá trị kinh tế từ các vật liệu quý trong thiết bị điện tử đã qua sử dụng.

Vàng không chỉ có giá trị cao mà còn là vật liệu không thể thiếu trong công nghiệp điện tử, y học, hàng không và năng lượng. Do tính dẫn điện ưu việt và không bị oxy hóa, vàng thường được dùng làm tiếp điểm, dây dẫn và mối hàn trong điện thoại, máy tính, thiết bị y tế… Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế vàng từ thiết bị cũ vẫn còn rất thấp, trong khi nhu cầu ngày càng tăng.

Ngoài vàng, nhiều nguyên tố đất hiếm và kim loại có giá trị khác như bạc, palladium, đồng… cũng đang dần cạn kiệt. Việc ứng dụng công nghệ mới để thu hồi hiệu quả các vật liệu này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thô.

Giới chuyên môn nhận định rằng nếu được hỗ trợ và triển khai rộng rãi, phương pháp chiết xuất vàng mới có thể trở thành bước ngoặt trong ngành tái chế điện tử toàn cầu, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn – một trong những ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/mo-vang-trong-rac-dien-tu-post1551502.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm