Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Một ca mắc Covid-19 chuyển nặng, dịch tại Việt Nam có đáng lo?

(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đang điều trị cho một bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19, suy đa tạng.

Báo Dân tríBáo Dân trí24/05/2025

Bệnh nhân mắc Covid-19 có nhiều bệnh nền

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông, bệnh nhân là bà V.T.M. (66 tuổi, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông vào tối 17/5. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đang điều trị ngoại trú tại nhà, đã được tiêm 3 mũi vaccine Covid-19.

Gia đình bệnh nhân chỉ có 2 người ở cùng nhau, khu vực gia đình sinh sống gần rẫy, dân cư thưa, hàng ngày bệnh nhân chỉ ở nhà làm việc nhà và làm vườn, ít tiếp xúc với người khác.

Một ca mắc Covid-19 chuyển nặng, dịch tại Việt Nam có đáng lo? - 1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đang tích cực điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo lời kể của người nhà, sáng 17/5, bệnh nhân than mệt, vã mồ hôi, mệt tăng khi vận động, có cảm giác ớn lạnh nhưng vẫn làm việc nhà và quanh vườn. Khoảng 16h cùng ngày, bệnh nhân than mệt nhiều, khó thở nhẹ, hạn chế vận động, tứ chi yếu nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, sốt 38,5 độ C, khó thở nhẹ…, được xử trí hạ sốt, liệu pháp oxy 3 lít/phút.

Ngày 18/5, bệnh nhân có kết quả test nhanh Covid-19 âm tính. Trong ngày bệnh nhân sốt 38,5-39 độ C, khó thở, kết quả chụp X-quang phổi có hình ảnh tổn thương rãnh liên thùy, dày đáy phổi trái. Đến tối, bệnh nhân khó thở nhiều, SpO2 82%, được chỉ định thở máy.

Ngày 19/5, bệnh nhân lơ mơ, kích thích nhẹ, kết quả test nhanh Covid-19 dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19, suy đa tạng được chỉ định lọc máu. Tiên lượng tình trạng xấu nên bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Sáng 20/5, bệnh nhân li bì, nằm yên, duy trì thở máy, ăn qua ống xông dạ dày.

Theo CDC tỉnh Đắk Nông, bệnh nhân nhập viện không phải là trường hợp biến chứng nặng do mắc Covid-19 mà có thể do các bệnh lý khác (bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp).

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam có đáng lo?

Theo lãnh đạo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tại Việt Nam, diễn biến Covid-19 chưa có gì đột biến, bất thường. Bệnh vẫn được định danh là bệnh truyền nhiễm nhóm B như cúm thường, chưa xuất hiện biến thể mới làm tăng nặng các ca mắc.

Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), Bộ Y tế, cho biết, người dân không nên quá lo lắng về các ca Covid-19 hiện nay. Bệnh không mất đi vì thế sẽ có lúc tăng, lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm.

Trước đó, Bộ Y tế cũng thông tin về việc có sự gia tăng nhẹ ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.

Đồng thời, Bộ cũng dự báo với sự giao lưu, đi lại cao của người dân Việt Nam trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc tại nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể sẽ không gia tăng các trường hợp nặng do biến thể của virus Covid-19.  

Tương tự tại Thái Lan sự gia tăng nhanh số ca mắc trùng với thời điểm và thời gian ủ bệnh sau ngày tết truyền thống, nhiều khả năng do có sự gia tăng tụ tập đông người và sự gia tăng của biến thể phụ XBB.1.16, một biến thể phụ của Omicron.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn của các biến thể Covid-19 trong đợt này và cũng không có cảnh báo mới đối với Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.

Để kịp thời ứng phó nếu dịch bệnh có diễn biến bất thường, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị các bệnh viện, sở y tế cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly… 

Theo đơn vị này, việc chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly không phải để cách ly người bệnh tập trung như trong đại dịch. Các bệnh viện chỉ chuẩn bị các khu vực cách ly trong bệnh viện (có thể là 1-2 phòng bệnh tùy thuộc số lượng bệnh nhân) để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Việc này nhằm kiểm soát lây nhiễm bệnh cho các bệnh nhân đang mắc bệnh nặng, đặc biệt là những bệnh nhân phẫu thuật, người có bệnh nền.

Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh, để từ đó đưa ra các khuyến cáo kịp thời nếu xuất hiện biến thể mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng.

"Biến thể đang lưu hành vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Dù vậy, người dân không quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng, phải nhập viện", PGS Phu nhấn mạnh.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-ca-mac-covid-19-chuyen-nang-dich-tai-viet-nam-co-dang-lo-20250523160903350.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm