Đoàn khách quốc tế đến tham quan các điểm di tích ở Huế

Tối ưu hóa sản phẩm du lịch để đáp ứng từng phân khúc thị trường

Theo nghiên cứu của Sở Du lịch, xét quy mô thị trường, Pháp và Đài Loan (Trung Quốc) là 2 thị trường đóng góp gần 1/4 tổng số khách quốc tế đến Huế. Pháp là thị trường khách du lịch lớn nhất đến Huế trong năm 2024 với hơn 68.000 lượt (chiếm 11%); Đài Loan chiếm vị trí thứ 2 với hơn 58.000 lượt và Mỹ đứng vị thứ 3 với hơn 54.000 lượt. Thực tế, Pháp là thị trường khách truyền thống, còn Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường khách mới nổi từ năm 2023 đến nay.

Sau đại dịch COVID-19, "bức tranh" du lịch có nhiều thay đổi, do những biến động trên thế giới và ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và các chính sách phát triển du lịch. Nhìn vào diễn biến lượng khách đến Huế năm 2024, có thể thấy top 10 thị trường khách đa phần tăng lượt khách đến Huế so với năm 2023, cụ thể như khách Ý tăng 114%; Tây Ban Nha tăng 62%; Pháp tăng 57%, Đức tăng 54%... Song, cũng có một số thị trường có dấu hiệu giảm so với năm 2023, như khách Thái Lan giảm 52%, Malaysia giảm 46%… Các thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc nằm ngoài top 10 khách đến Huế đã giảm đáng kể so với các năm gần đây.

Đại diện Phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch cho biết, từng thị trường khách du lịch có những mong muốn và yêu cầu trải nghiệm khác nhau. Điển hình như thị trường truyền thống, khách du lịch từ Hàn Quốc và Nhật Bản thường ưu tiên các tuyến du lịch kết hợp miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Hội An) với thời gian lưu trú trung bình khoảng 4 - 5 ngày. Họ quan tâm đến lịch sử, trải nghiệm văn hóa truyền thống và ẩm thực cung đình. Phân khúc này thường chọn các khách sạn 3 - 4 sao, dịch vụ chất lượng ổn định và các tour trọn gói với hướng dẫn viên tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật. Trong khi đó, khách châu Âu thường có thời gian lưu trú dài hơn và thường kết hợp các chuyến tham quan xuyên Việt. Họ chú trọng vào các sản phẩm du lịch di sản, đồng thời có xu hướng khám phá sâu hơn, như: tham quan làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái ở vùng nông thôn gần thành phố. Đối với du khách Mỹ, mặc dù số lượng khách từ thị trường này không lớn như nhiều nước châu Âu, nhưng họ có mức chi tiêu cao và yêu cầu dịch vụ phải chuyên nghiệp.

Các thị trường tiềm năng (Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ) cũng có những yêu cầu khác biệt.

Theo các chuyên gia du lịch, mỗi phân khúc thị trường khách có sự khác biệt rõ ràng về động cơ du lịch, nhu cầu dịch vụ và mức chi tiêu. Khách quốc tế thường quan tâm đến trải nghiệm văn hóa, lịch sử và di sản với yêu cầu chất lượng dịch vụ cao, trong khi khách nội địa thường chú trọng đến chi phí hợp lý, thời gian tham quan ngắn ngày và các hoạt động ẩm thực, vui chơi gần gũi. Điều này đặt ra nhu cầu tối ưu hóa các sản phẩm du lịch để du lịch Huế đáp ứng từng phân khúc thị trường, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa chất lượng dịch vụ và giá cả.

Đầu tư để thu hút khách

Với các lợi thế, tiềm năng hiện hữu, du lịch Huế có rất nhiều tiềm năng để đón đầu xu hướng du lịch năm 2025 và xu hướng du lịch mới trên thế giới đến năm 2030. Các xu hướng du lịch sẽ phát triển được dự báo là du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sáng tạo, du lịch y tế, du lịch sinh thái, du lịch thông minh đều là những xu hướng du lịch mà Huế có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh hơn nhiều địa phương khác. Theo các chuyên gia du lịch, Huế cần có sự đầu tư tổng lực về hạ tầng, cơ chế, chính sách, chủ trương để khai thác tốt tiềm năng của mình và đưa du lịch thật sự trở thành ngành mũi nhọn của địa phương.

Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm cho biết, TP. Huế sẽ tập trung các nhóm cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù cho phát triển du lịch, tập trung đồng bộ các chính sách về: Quy hoạch du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu bản sắc, xúc tiến quảng bá du lịch, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sáng tạo trong quản lý và vận hành phát triển du lịch. Bên cạnh đó sẽ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch. Ưu tiên mở các đường bay nội địa và quốc tế để tăng khả năng tiếp cận khách du lịch và đa dạng thị trường, tập trung vào giải pháp tăng cường các điểm đến bay nội địa; kết nối các đường bay quốc tế trọng điểm như Bangkok, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Ngành du lịch sẽ tập trung hoàn thiện các sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị trường, xu thế mới nhưng vẫn đảm bảo thương hiệu của du lịch Huế. Trong đó, sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch bên cạnh văn hóa - du lịch như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tâm linh, du lịch MICE, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch golf… Việc xây dựng sản phẩm dựa trên quá trình nghiên cứu, khảo sát các phân khúc thị trường, tập trung vào các thị trường truyền thống, trọng điểm và thị trường tiềm năng với du lịch Cố đô. Từ đó, sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thu hút du khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/nam-bat-xu-the-thi-truong-tap-trung-chien-luoc-hut-khach-153450.html