Khó chống được kẻ trộm
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 79 lăng mộ vua, chúa và quan lại, trong đó có 18 lăng mộ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia; 37 lăng mộ xếp hạng di tích cấp tỉnh; 24 lăng mộ các vị quan chưa được xếp hạng. Các khu lăng mộ đều nằm xa khu dân cư, khuôn viên thiết kế mở, không có tường rào bảo vệ kiên cố hoặc không có người túc trực trông coi. Vì vậy, đây là kẽ hở khó ngăn chặn kẻ xấu tác động đến lăng mộ.
Lăng mộ vua Lê Túc Tông nằm trên đỉnh một quả đồi ít người qua lại, cách khu dân cư gần nhất khoảng 500 m
ẢNH: MINH HẢI
Như lăng mộ vua Lê Túc Tông (tại xã Kiên Thọ, H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vừa bị 3 người quốc tịch Trung Quốc dùng thiết bị, vật dụng đào bới sâu đến 1,6 m để tìm cổ vật, đồ vật hôm 3.5. Theo quan sát của PV Thanh Niên, lối vào lăng mộ là con đường nhỏ gồ ghề ít người qua lại, mộ nằm trên đỉnh một quả đồi, xung quanh là vườn cây ăn quả, cách khu dân cư gần nhất khoảng 500 m, và cách trụ sở chính của Ban Quản lý khu di tích Lam Kinh (đơn vị quản lý trực tiếp lăng mộ) khoảng 4 km.
Hay Khu lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa) nằm cách Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu khoảng 500 m (tại đền Bà Triệu). Ngoài lối đi từ chân núi lên mộ với hơn 300 bậc thềm thì còn lối mòn khác để lên khu lăng mộ. Mộ Bà Triệu cũng không có tường rào bảo vệ kiên cố, không có người túc trực, chỉ có một người phụ nữ gần 70 tuổi được thuê thi thoảng đến quét dọn vệ sinh, nên rất khó đảm bảo phòng chống kẻ xấu xâm hại mộ.
Tương tự, khu lăng mộ Quận Mãn (Quận công Lê Trung Nghĩa) ở P.An Hưng (TP.Thanh Hóa) là di tích cấp quốc gia đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khu lăng mộ nằm giữa 2 dãy nhà bỏ hoang (trụ sở UBND và trạm y tế của P.An Hoạch cũ, nay là P.An Hưng sau sáp nhập), chưa được đầu tư khuôn viên, không có nhà trông coi. Lo lắng trước nguy cơ kẻ xấu xâm hại lăng mộ, thời gian gần đây, ông Lê Đình Liêm, Trưởng tiểu ban quản lý di tích lăng Quận Mãn - cháu đời thứ 12 của Quận công Lê Trung Nghĩa, phải mượn một phòng nhỏ trong khu trụ sở bỏ hoang để lấy chỗ trông coi khu lăng mộ.
"Tôi là con cháu của cụ Lê Trung Nghĩa nên tham gia Tiểu ban quản lý khu lăng mộ với tư cách gia đình, dòng họ cùng tham gia bảo vệ di tích. Khu lăng mộ không có nhà trông coi, nên mới đây tôi phải mượn một gian nhà bỏ không để tối lấy chỗ nằm trông coi. Cái này là tự thân tôi và dòng họ thấy cần phải có biện pháp bảo vệ, canh chừng nên làm thôi chứ không phải cơ quan chức năng yêu cầu", ông Liêm cho hay.
Mới phòng trộm chứ chưa thể chống trộm
Sau vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông và lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị xâm hại thời gian gần đây, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa nhận định hiện nay trên địa bàn nhiều tỉnh, thành đã và đang có hiện tượng các đối tượng xấu xâm hại, đào trộm mộ để tìm kiếm di vật, cổ vật. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản giao Công an tỉnh phối hợp cùng các sở VH-TT-DL, Nội vụ, Ngoại vụ, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Bộ đội biên phòng quản lý chặt chẽ người nước ngoài lưu trú trên địa bàn; chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu/điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật trên địa bàn. Đồng thời, lắp đặt hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng trong và ngoài khuôn viên khu vực lăng mộ, điểm di tích lịch sử.
Bà Bùi Thị Tuyết, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT-DL Thanh Hóa), thừa nhận công tác đảm bảo an toàn cho các lăng mộ vua, chúa, các vị quan... mới chỉ dừng lại ở phòng ngừa chứ chưa thể chống được trộm. Bởi các lăng mộ không có "tường cao, hào sâu" hay người túc trực trông coi. Bà Tuyết cho biết công tác bảo vệ an toàn cho lăng mộ hiện nay chủ yếu là do chính quyền địa phương (nơi có di tích) và con cháu dòng họ của nhân vật lịch sử đảm nhận.
"Tất cả các lăng mộ đều có ban quản lý di tích và có thành viên là con cháu, dòng họ của nhân vật lịch sử tham gia để bảo vệ, giữ gìn. Việc đào trộm mộ không hiếm ở VN, vì có hoạt động buôn bán cổ vật. Việc tìm kiếm cổ vật, di vật ở các lăng mộ là do người phương Đông khi mất thường có việc chia của cho người khuất", bà Tuyết cho hay.
Như vậy, với cách quản lý, bảo vệ lăng mộ chỉ trông chờ vào ban quản lý di tích cấp xã như hiện nay thì chống trộm mộ là điều không thể. Việc này đặt ra bài toán nan giải với ngành văn hóa và các địa phương trong công tác giữ gìn di tích.
Ở VN từng xảy ra nhiều vụ xâm hại lăng mộ. Trước vụ lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Lê Túc Tông bị xâm hại, từng xảy ra các vụ đào bới lăng mộ như lăng Hoàng thái hậu Từ Dũ bị đào trộm hồi những năm 1980; lăng Vĩnh Thái nơi có mộ vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm năm 1990; khu di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) với tập hợp nhiều mộ cổ cũng bị đào trộm suốt thời gian 2010 - 2020…
Nguồn: https://thanhnien.vn/nan-giai-bai-toan-dam-bao-an-toan-cho-lang-mo-co-185250525215645242.htm
Bình luận (0)