Những đồng vốn tín dụng chính sách (TDCS) mà Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Phù Cừ kịp thời đưa tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Báo Hưng Yên•28/07/2025
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Quang Hưng.
Hiệu quả từ đồng vốn chính sách
Anh Trần Long Nguyên có mặt từ sớm tại điểm giao dịch xã Quang Hưng trong phiên giao dịch đầu tiên sau sáp nhập xã để trả cả gốc lẫn lãi cho Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH Phù Cừ. Anh Nguyên chia sẻ: Sau nhiều năm được ngân hàng cho vay vốn cùng với nguồn vốn tự có, vợ chồng tôi đã xây dựng thành công trang trại VAC trồng hàng trăm cây nhãn lồng, nuôi rắn, gà, vịt, cá… Do trồng và nuôi đúng cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuân thủ kỹ thuật nên nhãn vụ nào cũng được mùa, năng suất cao, vật nuôi trong trang trại khỏe mạnh, lớn nhanh, tiêu thụ dễ dàng. Đến nay, mỗi năm trang trại cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng. Gia đình tôi đã dự trù đủ dòng vốn để quay vòng và trả 150 triệu đồng tiền gốc và tiền lãi cho ngân hàng. Cán bộ ngân hàng cam kết khi nào gia đình đăng ký thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK & VV) sẽ được cho vay vốn theo quy định.
Với 150 triệu đồng vay từ Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH Phù Cừ, bà Nguyễn Thị Phượng ở xã Đoàn Đào đã thực hiện chuyển đổi trên 3 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn lồng và vải trứng cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Phượng cho biết: Trước đây, gia đình tôi cấy lúa nên thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Để thoát nghèo, làm giàu, vợ chồng tôi quyết định “bỏ lúa” làm vườn nhưng khó khăn nhất lúc đó là thiếu vốn sản xuất. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kết nối, tôi đã được Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH Phù Cừ cho vay vốn để triển khai dự án. Thời gian đầu, tôi trồng nhãn, sau đó thấy cây vải trứng cho giá trị kinh tế cao hơn nên mạnh dạn mở rộng diện tích lên trên 3 mẫu, trồng 360 cây nhãn và vải, trong đó 60% là cây vải trứng. Vải trứng với đặc trưng mã sáng, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt thơm được khách sành ăn săn lùng nhiều dù giá bán rất cao 100 - 120 nghìn đồng/kg, gấp 3 - 4 lần giá bán nhãn và các loại vải khác. Mỗi năm trừ chi phí gia đình bà Phượng thu lãi từ làm vườn 350 - 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động địa phương với ngày công 500 nghìn đồng/người. Ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn tiếp thêm động lực cho gia đình bà Phượng nỗ lực vượt khó trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở xã Đoàn Đào thu nhập 350 - 500 triệu đồng/năm từ trồng nhãn lồng và vải trứng.
Giúp giảm nghèo bền vững
TDCS xã hội hàng chục năm qua trở thành một điểm sáng, trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần giảm "tín dụng đen". Đến nay, các chương trình TDCS của Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH Phù Cừ đã được triển khai tới 100% số thôn trên địa bàn 4 xã mới hợp nhất là Đoàn Đào, Quang Hưng, Tiên Tiến và Tống Trân. Tổng dư nợ đến ngày 30/6 đạt gần 460 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ. 6 tháng đầu năm, nguồn vốn cho vay đã giúp 12 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo có vốn để phát triển kinh tế; tạo việc làm mới cho 348 lao động; có thêm trên 700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 144 em học sinh, sinh viên khó khăn được "tiếp sức" đến trường, 6 hộ dân có nhà mới để ở. Ông Nguyễn Xuân Tỉnh, Giám đốc Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH Phù Cừ cho biết: Để bảo đảm hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi... diễn ra thông suốt, kịp thời, hiệu quả sau hợp nhất, vận hành chính quyền 2 cấp, Phòng Giao dịch vẫn tiếp tục thực hiện ủy thác vốn vay qua 196 tổ TK và VV của các tổ chức chính trị - xã hội, duy trì ổn định 13 điểm giao dịch tại UBND xã cũ, lịch giao dịch được giữ nguyên như trước, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đến giao dịch, tránh việc phải đi xa hay thay đổi thói quen sinh hoạt tài chính. Phòng giao dịch công khai cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay vốn, hồ sơ, thủ tục nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền và Nhân dân; đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn và thủ tục ủy quyền. Bên cạnh việc duy trì các ứng dụng quản lý TDCS trên điện thoại thông minh, Phòng Giao dịch đang triển khai mở tài khoản tổ viên tại ngân hàng nhằm tiến tới giao dịch không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phù Cừ thăm, kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại vườn vải của khách hàng.
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phù Cừ luôn nỗ lực nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng. Nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách đã sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bình luận (0)