Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nét đẹp văn hoá trong các lễ hội xuân ở Nam Trực

Huyện Nam Trực có hơn 20 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức các anh hùng dân tộc, có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, phản ánh nét đẹp văn hoá của mỗi địa phương. Đến với các lễ hội, nhân dân và du khách thập phương không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu may, chiêm bái mà còn thưởng thức những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc của các di tích.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định18/04/2025

Vật chầu Thánh tại Lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang.
Vật chầu Thánh tại Lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang.

Lễ hội lớn đầu tiên trong năm của huyện được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán là chợ Viềng xuân, phiên chợ đặc biệt chỉ họp một phiên trong năm vào đêm mùng 7 và ngày mùng 8 tháng Giêng. Người đi chợ cả bán và mua đều tâm niệm mua lấy may, bán lấy may, mong mang lộc về nhà, “mua may, bán rủi". Vì vậy người bán không nói thách quá cao, người mua cũng không mặc cả quá nhiều.

Hàng hoá ở chợ Viềng rất phong phú và đa dạng, có thể xem là cuộc triển lãm kinh tế - xã hội của các địa phương trong và ngoài huyện. Tại chợ hội tụ hầu hết các sản phẩm từ những làng nghề có tiếng hàng trăm năm tuổi như: hoa, cây cảnh từ làng hoa, cây cảnh Vị Khê; đồ đồng chế tác từ làng nghề Đồng Quỹ; sản phẩm đồ sắt của làng rèn Vân Chàng; đồ cổ, giả cổ… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức đặc sản thịt bò thui nổi tiếng của thị trấn Nam Giang; lạc vỏ lụa, kẹo lạc Thượng Nông xã Bình Minh; khoai lang lim chợ Chùa; phở bò Giao Cù… Cùng với đi chợ Viềng xuân, nhân dân và du khách thập phương còn được chiêm bái, vãn cảnh di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Chùa Đại Bi - nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, các di tích lịch sử Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư...

Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang là ngôi chùa chung của 3 thôn: Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng, được xây dựng từ đời Vua Lý Nhân Tông. Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, là một danh sư thời Lý có công lao lớn với triều đình và nhân dân. Năm 2020, lễ hội truyền thống Chùa Đại Bi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Lễ hội Chùa Đại Bi được tổ chức từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng, trong đó ngày 21 là chính hội. Trong lễ hội Chùa Đại Bi có một hoạt động đặc biệt, vừa là lễ, vừa là hội. Đó là múa rối đầu gỗ chầu Thánh (hay còn gọi là trò Ổi Lỗi). Nhân vật chính trong Ổi Lỗi là “Thập nhị Thánh tượng (12 tượng Thánh, gồm 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ). Về lời ca và giai điệu, nghệ thuật Ổi Lỗi hiện còn lưu giữ 26 bài, 32 làn điệu; nội dung ca ngợi công lao của Đức Thánh Từ và cầu cho đất nước “thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền". Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật múa rối chầu Thánh gồm: 1 trống cái (để cầm canh chuyển làn điệu); 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói (gõ theo trống cái), 1 trống bảng, 2 trống cơm, 2 thanh la. Những ngày tổ chức lễ hội, nhân dân và du khách thập phương nô nức về chùa để vãn cảnh, chiêm bái, cầu mong cho gia đình được mọi điều may mắn, thuận lợi và dự lễ, chơi hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, chỉ có tại lễ hội Chùa Đại Bi.

Về xã Nam Điền từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, nhân dân và du khách thập phương được dự lễ hội truyền thống của làng nghề trồng hoa, cây cảnh hơn 800 năm tuổi. Lễ hội nhằm tôn vinh tri ân ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh Tô Trung Tự và trưng bày, quảng bá các tác phẩm sinh vật cảnh nghệ thuật đặc sắc từ những đôi bàn tay tài hoa của người làng nghề. Phần lễ gồm các nghi thức truyền thống trang nghiêm như: Tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa, cây cảnh về đình làng dâng hương kính cáo tổ nghề. Phần hội gồm các hoạt động văn hoá phong phú: trưng bày những loại hoa quý, những cây cảnh, cây thế độc đáo, giao lưu văn nghệ, bóng đá nam và các trò chơi dân gian. Lễ hội truyền thống làng nghề hoa, cây cảnh Vỵ Khê, xã Nam Điền được tổ chức hằng năm là dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng cường liên doanh, liên kết với các làng nghề trên cả nước, gìn giữ và phát triển “trung tâm đầu mối" tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề hoa, cây cảnh trên cả nước. Lễ hội còn là cầu nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, là nơi trao truyền những bí quyết nghề, là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ươm tạo hoa, cây cảnh của bao thế hệ người dân Vỵ Khê.
Các lễ hội truyền thống đầu xuân của các xã, thị trấn được quan tâm khôi phục, duy trì tổ chức thể hiện đạo lý "ăn quả nhớ người trồng cây", tưởng nhớ, tri ân công đức các vị Anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công với nước với dân trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho quê hương đất nước; truyền dạy nghề làm kế mưu sinh, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như: lễ hội Đền Gin, xã Nam Dương tổ chức từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Chạp nhằm tri ân công đức của Tướng quân Kiều Công Hãn (thời Ngô Quyền); lễ hội Đền Am, thị trấn Nam Giang tổ chức vào hai ngày 9 và 10 tháng Giêng tưởng nhớ công ơn của Thiền sư Bùi Huệ Tộ; lễ hội Đền Bái Hạ, xã Nghĩa An, thờ Triệu Việt Vương tổ chức ngày 15/3 âm lịch 2 năm 1 lần; lễ hội Đền An Lá, xã Nghĩa An thờ Thượng tướng quân Nguyễn Tấn (triều Đinh) tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11/3 âm lịch; lễ hội làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang tổ chức ngày 16 tháng Giêng (5 năm một lần) nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề được tôn là Thần hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước; lễ hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường tổ chức vào ngày 9/3 âm lịch với tục chơi đu được người dân địa phương gìn giữ… Ngoài phần lễ diễn ra trang nghiêm, các lễ hội còn thu hút nhân dân và du khách thập phương bởi các trò chơi dân gian như: múa sư - rồng, cờ người, cờ tướng, kéo co, xem múa rối nước, vật chầu Thánh, thổi cơm thi... Trong những ngày tổ chức lễ hội, không khí náo nhiệt bao trùm khắp các ngõ xóm với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian. Người dân thu xếp việc riêng chu toàn từ trước để tập trung thực hiện việc chung của làng, xóm; con, cháu trong làng đi học tập, lao động xa quê cũng thu xếp về dự lễ, chơi hội. 

Để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá dân gian trong các lễ hội mùa xuân, huyện Nam Trực đã bám sát quy chế quản lý lễ hội, xây dựng chương trình lễ hội sát thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Gắn tổ chức lễ hội với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá của di tích cho nhân dân và khách thập phương về dự hội; đảm bảo an ninh trật tự và cảnh quan môi trường văn hoá trong lễ hội; tạo điểm nhấn quảng bá tiềm năng văn hoá, du lịch của địa phương. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xã hội hoá tu bổ, tôn tạo di tích; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hoá bản sắc của từng địa phương. Qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân và du khách thập phương.

Bài và ảnh: Diệu Linh

Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/net-dep-van-hoatrong-cac-le-hoi-xuan-o-nam-truc-1ff6691/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm